Hội nghị lần thứ 17 của Hội đồng đối tác (PC17) thuộc Tổ chức Đối tác về Quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA) đang diễn ra từ ngày 22 - 23/7/2025 tại Manila, Phillipines theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến; với sự tham gia của Chủ tịch Hội đồng PEMSEA, các Chủ tịch và Đồng Chủ tịch Phiên họp Kỹ thuật; Đồng Chủ tịch Phiên họp Liên chính phủ; Giám đốc Điều hành PEMSEA; các đối tác quốc gia từ Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Lào, Philippines, Trung Quốc, Timor-Leste, Singapore và các đối tác quốc tế khác.
Bà Atty. Analiza Rebuelta - Teh, Thứ trưởng Bộ Môi trường và Tài nguyên Philippines đã đến tham dự và phát biểu khai mạc Hội nghị. Đoàn đại biểu Việt Nam do ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường là Trưởng đoàn đã tham gia và có những ý kiến chia sẻ về kết quả thực hiện "Chiến lược Phát triển bền vững các biển Đông Á" (SDS-SEA) tại Việt Nam, cụ thể là triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030… Đặc biệt là thông tin mới về việc vào tháng 6 vừa qua, Việt Nam đã phê duyệt Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (Hiệp định BBNJ) trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị với bà Atty. Analiza Rebuelta - Teh, Thứ trưởng Bộ Môi trường và Tài nguyên PhilippinesVới vai trò là tổ chức điều phối cấp khu vực nhằm phát triển bền vững các vùng biển và ven biển khu vực Đông Á, trong những năm qua, PEMSEA thông qua mạng lưới gồm các đối tác quốc gia và quốc tế, chính quyền địa phương, cùng các bên liên quan khác như cộng đồng ven biển, các cơ quan phát triển quốc tế, chương trình khu vực, khối tư nhân, các nhà đầu tư và nhà tài trợ đã triển khai nhiều giải pháp và hoạt động hợp tác giữa các bên, hướng tới mục tiêu chung nhằm quản lý hiệu quả các vùng biển và ven biển trong khu vực thông qua Chiến lược SDS-SEA.
Năm 2024 là năm chứng kiến sự mở rộng đáng kể của mạng lưới và quan hệ đối tác của PEMSEA, bao gồm các thành viên mới trong cả Mạng lưới các Chính quyền địa phương của PEMSEA (PNLG) và Mạng lưới các Trung tâm học thuật của PEMSEA (PNLC), đáng chú ý là việc ra mắt Tài liệu khu vực về phương pháp kiểm toán carbon xanh, các sáng kiến giảm thiểu nhựa biển và phát triển khuôn khổ quản lý tổng hợp lưu vực sông. PEMSEA đã thể hiện được khả năng huy động các bên liên quan đa dạng, hướng tới tầm nhìn chung về các đại dương, con người và nền kinh tế lành mạnh ở khu vực các biển Đông Á.
Trên cơ sở Kế hoạch thực hiện SDS-SEA 2023 - 2027 và Tuyên bố Bộ trưởng Hạ Môn được ký năm 2024, Việt Nam cùng các quốc gia thành viên đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện quản lý tổng hợp biển và vùng bờ cho phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực các biển Đông Á.
Đoàn đại biểu Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị với bà Aimee Gonzales, Giám đốc điều hành PEMSEATheo chương trình của Hội nghị, đoàn đại biểu Việt Nam đã tham gia Phiên họp toàn thể thông qua Báo cáo của Chủ tịch Hội đồng và Giám đốc điều hành đương nhiệm của PEMSEA, cũng như tham vấn nhằm lựa chọn các thành viên Hội đồng đối tác nhiệm kỳ tiếp theo. Ông Lê Đại Thắng, Phó Trưởng phòng Kiểm soát tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Phiên họp Liên chính phủ cho nhiệm kỳ 2025 - 2028.
Đại diện các quốc gia thành viên đều đánh giá cao vai trò và những nỗ lực của PEMSEA thông qua việc triển khai SDS-SEA, mong muốn PEMSEA sẽ phát triển hơn nữa, huy động thêm được nhiều nguồn lực, giữ vai trò là tổ chức khu vực trong điều phối hiệu quả các hoạt động nhằm phát triển kinh tế biển xanh, quản lý tổng hợp biển và vùng bờ, đồng thời thúc đẩy các hoạt động tăng cường năng lực và hợp tác trong các lĩnh vực mới như carbon xanh, công nghệ sinh học biển, nhãn sinh thái, kinh tế tuần hoàn, dịch vụ thông tin, dữ liệu biển...
Tiếp nối với Phiên họp Kỹ thuật, đoàn đại biểu Việt Nam đã có những trao đổi, thảo luận sâu sắc, thực chất về nhiều vấn đề, xoay quanh các trụ cột "Quản trị hiệu quả, Đại dương khỏe mạnh, Con người khỏe mạnh và Nền kinh tế khỏe mạnh"; đánh giá nội dung, tiến độ các chương trình và dự án khu vực liên quan đến các Mục tiêu Phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc (SDG); cập nhật lộ trình và cơ chế của Chương trình carbon xanh; hợp tác khu vực về mạng lưới khu bảo tồn biển hướng tới mục tiêu 30x30 (bảo vệ ít nhất 30% diện tích đại dương toàn cầu vào năm 2030)…
Việc tham gia của Đoàn Việt Nam tại sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt, trong bối cảnh nước ta đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Cùng với tiềm năng rất lớn về biển, việc tham gia và đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam vào các tổ chức biển khu vực như PEMSEA mang ý nghĩa quan trọng, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.