Việc chuyển đổi phương thức quản lý tài nguyên biển, đảo truyền thống sang tiếp cận dựa trên dữ liệu số, công nghệ khiến nhu cầu chuyển đổi số ngày càng cấp bách
Từ “bài toán” công nghệ đến hiện thực quản lý số
Theo ông Võ Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển quốc gia (Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường), hiện nay, quản lý trong lĩnh vực này vẫn gặp nhiều thách thức như dữ liệu không đồng bộ, quy trình chưa tối ưu và thiếu sự kết nối giữa các cơ quan, ngành. Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực biển và hải đảo không chỉ là công cụ hiện đại hóa quản lý mà còn là nền tảng cho việc bảo vệ tài nguyên, phát triển kinh tế và duy trì an ninh quốc gia.
Việc thực hiện chuyển đổi số thủ tục giao biển có tính khả thi cao, khi hạ tầng dữ liệu bước đầu đã hình thành, quy trình đã được quy định và một số địa phương đã triển khai thực tế. Ảnh: Vasi.Ông Hùng chia sẻ, trong hành trình chuyển đổi số lĩnh vực biển đảo, có thể hình dung hai nhiệm vụ lớn.
Đầu tiên là cần “xây dựng các công cụ, ứng dụng phân tích khai thác cơ sở dữ liệu lớn, đưa dữ liệu thành các thông tin, hỗ trợ ra quyết định trong công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo, hỗ trợ đơn vị, người dân, doanh nghiệp trong hoạt động khai thác tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế”. Đây là yêu cầu từ Nghị quyết số 48/NQ-CP về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hai là cần “đẩy nhanh việc chuẩn hóa dữ liệu và thống nhất quản lý sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia, bao gồm hệ thống cơ sở dữ liệu giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân. Triển khai việc tích hợp và số hóa cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường biển của các bộ, địa phương với cơ sở dữ liệu biển và hải đảo quốc gia”. Nội dung này gắn với yêu cầu của Nghị quyết số 93/NQ-CP về thúc đẩy hội nhập và phát triển bền vững giai đoạn 2023–2030.
Chuyển đổi số trong giao khu vực biển
Là đơn vị trực tiếp tham mưu và triển khai chuyển đổi số, Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia đã chọn giao khu vực biển, một thủ tục thiết yếu trong quản lý tài nguyên biển, làm khâu khởi đầu cho toàn bộ tiến trình chuyển đổi số.
“Việc thực hiện chuyển đổi số thủ tục giao biển có tính khả thi cao, khi hạ tầng dữ liệu bước đầu đã hình thành, quy trình đã được quy định và một số địa phương đã triển khai thực tế”, ông Hùng nói.
Về cơ sở dữ liệu, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã xây dựng và vận hành Hệ thống kỹ thuật hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển từ năm 2019 đến nay. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu biển quốc gia về các kết quả điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường các vùng biển Việt Nam đang được duy trì vận hành và cập nhật hàng năm ở một mức độ nhất định.
Cơ sở dữ liệu này có nhiều các cơ sở dữ liệu thành phần từ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến các dữ liệu về phạm vi, ranh giới pháp lý trên biển; đây là những thông tin quan trọng để tham chiếu khi thực hiện việc thẩm định và lập hồ sơ các khu vực biển được đề nghị giao sử dụng biển từ các tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, các dữ liệu sử dụng về dân cư, định danh và xác thực điện tử cho các lĩnh vực của đời sống, xã hội đáp ứng nhu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh trên nền tảng định danh và xác thực điện tử do Bộ Công an cung cấp. Những dữ liệu này đã có song còn rời rạc nên rất cần được hệ thống hóa.
Theo ông Hùng, chuyển đổi số quy trình giao khu vực biển không chỉ giúp tinh gọn thủ tục, số hóa hồ sơ mà còn góp phần đảm bảo quản lý tổng hợp, thống nhất, liên ngành từ trung ương tới địa phương. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường và gìn giữ chủ quyền biển đảo.
Đồng thời, việc số hóa quy trình giao khu vực biển sẽ đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên khai thác tài nguyên biển, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm thiểu xung đột trong sử dụng không gian biển.
Giao khu vực biển là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho tổ chức, cá nhân được phép sử dụng một hoặc nhiều khu vực biển nhất định trong khoảng thời gian xác định để thực hiện hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Khu vực biển giao cho tổ chức, cá nhân là một phần của vùng biển Việt Nam có vị trí, tọa độ, ranh giới, diện tích, độ sâu cụ thể được xác định bởi một hoặc nhiều thành phần bao gồm mặt biển, khối nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển được xác định và thể hiện trên bản đồ khu vực biển.
3 bước triển khai
Để hiện thực hóa nhiệm vụ này, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã xác định lộ trình triển khai theo 3 bước.
Đầu tiên là thiết lập hệ thống dữ liệu nền, kết nối với các hệ thống dịch vụ công và quản lý biển tại các địa phương; bảo đảm công khai, chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan quản lý, cơ quan thuế và đối tượng sử dụng biển. Trung tâm đã đăng ký nhiệm vụ trong danh mục các dự án thực hiện chuyển đổi số của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2024 (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), và trong Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ-TW được ban hành kèm theo Quyết định số 503/QĐ-BNNMT về xây dựng “Cơ sở dữ liệu về khai thác sử dụng tài nguyên biển và hải đảo” với mục tiêu đầu tiên, cấp bách là nâng cấp Hệ thống kỹ thuật phục vụ công tác giao khu vực biển đã thực hiện trước đây và hoàn thành vào cuối năm 2025.
Chuyển đổi số quy trình giao khu vực biển không chỉ giúp tinh gọn thủ tục, số hóa hồ sơ mà còn góp phần đảm bảo quản lý tổng hợp, thống nhất, liên ngành từ trung ương tới địa phương. Ảnh: Vasi.Tiếp đó, kết nối hệ thống với các cơ sở dữ liệu quốc gia như dữ liệu dân cư, thuế; tiến hành số hóa toàn bộ quy trình giao khu vực biển, tạo nền tảng cho việc điều hành thông minh.
Bước thứ ba là từng bước nâng cấp hệ thống, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích dữ liệu, dự báo rủi ro và hỗ trợ ra quyết định trong quy hoạch, điều chỉnh không gian khai thác biển phù hợp thực tiễn, giảm thiểu xung đột và tăng hiệu quả khai thác.
Chuyển đổi số không đơn thuần là ứng dụng phần mềm hay trang bị hạ tầng số. Đó là cả một quá trình thay đổi nhận thức, cách làm, cách tiếp cận quản lý tài nguyên. Bởi thế quá trình này không tránh khỏi những khó khăn, đặc biệt về kinh phí và nguồn lực kỹ thuật. Trung tâm đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và Môi trường để có giải pháp tháo gỡ, đảm bảo mục tiêu hoàn thành hệ thống vào cuối năm 2025.