Sign In

Nuôi biển: Hiện trạng, lợi thế và thách thức

08:46 23/07/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Nuôi trồng thủy sản biển (Marine aquaculture hay mariculture) là hình thức nuôi dưỡng và khai thác sinh vật thủy sinh trong môi trường nước mặn tự nhiên, bao gồm các khu vực như vùng ven bờ, eo vịnh, biển mở, vùng triều, trên triều và khu vực quanh các hải đảo

Hoạt động này không chỉ nhằm cung cấp sản phẩm thủy sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, mà còn góp phần giảm áp lực lên nguồn lợi khai thác tự nhiên, cải thiện sinh kế và tăng cường sự hiện diện, thực thi chủ quyền quốc gia trên biển.

Việt Nam, với đường bờ biển dài hơn 3.260 km và vùng đặc quyền kinh tế rộng khoảng 1 triệu km², với tài nguyên nước dồi dào, sở hữu diện tích lớn các bãi triều, vùng ngập mặn tại cửa sông, khu vực ven đảo, các eo vụng kín gió và vùng biển xa bờ, phân bố đa dạng trên nhiều vùng và tiểu vùng sinh thái đặc thù thuận lợi cho phát triển nuôi biển. Ngoài ra, nguồn gen thủy sản bản địa phong phú với nhiều nhóm loài có giá trị kinh tế cao là một lợi thế chiến lược để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản biển theo hướng công nghiệp, bền vững và hội nhập quốc tế.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã xác định nuôi biển là một trong những trụ cột chiến lược trong định hướng phát triển ngành thủy sản, với mục tiêu hướng tới nghề cá hiện đại, bền vững, và tạo ra đột phá không chỉ cho ngành thủy sản mà còn cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Để hiện thực hóa định hướng này, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng. Cụ thể, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã nhấn mạnh vai trò then chốt của nuôi biển. Tiếp theo, Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, và Quyết định ngày 4/10/2021 về “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đã cụ thể hóa các mục tiêu và giải pháp phát triển nuôi biển trong dài hạn.

Tuy vậy, ngành nuôi biển hiện vẫn đang đối mặt với nhiều hạn chế không nhỏ về: Hạ tầng kỹ thuật, các yếu tố vật tư đầu vào, cơ chế – chính sách, vấn đề môi trường – dịch bệnh và thị trường tiêu thụ, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai, thời tiết cực đoan, cạnh tranh quốc tế và hệ thống quản lý nhà nước còn phân tán, thiếu đồng bộ.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu cốt lõi của phát triển nuôi biển là xây dựng ngành nuôi thủy sản biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có tính cạnh tranh cao, vận hành theo hướng kinh tế – xã hội – môi trường bền vững. Điều này đòi hỏi phải sử dụng hợp lý tài nguyên biển, nâng cao năng lực khoa học – công nghệ, và tối ưu hóa chuỗi giá trị sản phẩm.

Lợi thế phát triển

Để phát triển một ngành nghề hoặc khởi nghiệp, cần trả lời ba câu hỏi cốt lõi: 1) Làm cho ai? (ai sẽ là người sử dụng sản phẩm); 2) Làm ở đâu? (địa điểm nào có lợi thế phát triển tốt nhất); 3) Làm như thế nào? (quy trình công nghệ nào là phù hợp). Trong đó, việc lựa chọn địa điểm phù hợp để phát triển nuôi biển là yếu tố nền tảng. Điều này đòi hỏi phải có sự phân tích lợi thế sinh thái của từng vùng, từ đó xác định các khu vực nuôi hợp lý, đảm bảo hiệu quả kinh tế, giảm thiểu rủi ro môi trường, và góp phần phát triển nuôi biển theo hướng bền vững:

a) Vùng cửa sông, ven bờ, eo vịnh (Lagoon, estuary, bay-inlet zones)

Lợi thế: Gần bờ, dễ tiếp cận, kiểm soát, đầu tư thấp, phù hợp hộ nuôi nhỏ lẻ.
Nhược điểm: Chịu tác động từ nước thải sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp dẫn đến tích tụ N, P, hữu cơ, gây phú dưỡng và bùng phát tảo (Eutrophication). Ít luân chuyển thủy triều, nước tù, ôxy thấp (gây stress cho đối tượng nuôi). Vùng này dễ gây nên rủi ro dịch bệnh cao nếu nuôi cá/tôm với mật độ lớn.

Khuyến nghị: 1) Chỉ nên trồng rong, nuôi nhuyễn thể lọc nước (hàu, vẹm, điệp, hến); 2) Có thể làm vùng đệm sinh thái cho các hệ thống nuôi lân cận (Bio-buffer zones); 3) Kết hợp mô hình IMTA (nuôi đa loài tích hợp) có thể cải thiện chất lượng nước.

b) Vùng biển khơi (Offshore aquaculture zones)

Ưu điểm: Khả năng tự làm sạch cao (Luân chuyển thủy triều, dòng hải lưu mạnh), ít chịu tác động chất thải từ đất liền. Thích hợp nuôi cá có giá trị cao bằng lồng HDPE lớn, bán hở hoặc kín theo công nghệ Na Uy, Nhật Bản.

Nhược điểm: Sóng gió lớn, yêu cầu thiết bị chịu lực cao, chi phí đầu tư lớn. Xa bờ nên tốn chi phí vận chuyển, giám sát, bảo trì. Rủi ro cao do thiên tai, bão lớn ở miền Trung, cần bảo hiểm và dự báo tốt. Người nuôi khó tiếp cận phát triển.

Khuyến nghị: Chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư, có đồng bộ công nghệ và bảo hiểm rủi ro. Kết hợp nuôi – khai thác – dịch vụ hậu cần cảng cá tại các cụm đảo gần bờ.

c) Vùng trên triều (Supratidal zones)

Vùng trên triều là vùng nằm phía trên cao triều, thường là vị trí nằm trong đê ngăn mặn hoặc vùng cát và hải đảo…

Ý tưởng: Dẫn nước biển sạch từ xa bờ thông qua ống hút hoặc hệ thống kênh lọc tuần hoàn để phát triển nuôi thủy sản theo hình thức công nghiệp kiểm soát tốt môi trường.

Lợi ích: Giảm phụ thuộc vào vùng biển khơi sóng gió. Chủ động kiểm soát chất lượng nước, phù hợp nuôi công nghệ cao trên cạn. Giảm chi phí vận hành dài hạn nếu đầu tư bài bản ban đầu. Tạo nền tảng hình thành “làng cá” ven biển: Trạm cấp nước, khu nuôi, sơ chế-chế biến, logistics gắn với sinh kế bền vững.

Khó khăn: Chi phí đầu tư hệ thống cấp nước lớn. Phải quy hoạch kỹ để tránh nhiễm mặn vào đất nông nghiệp. Cần thiết kế chống xói lở bảo vệ bờ biển và rừng phòng hộ.

Khuyến nghị: Áp dụng cho các vùng cát ven biển miền Trung, nơi đất nông nghiệp kém hiệu quả, có sẵn nguồn lao động và gần trục giao thông. Kết hợp nuôi – trồng – du lịch sinh thái (ví dụ: mô hình “Fish-Village Resort”).

Thách thức

Thiếu quy hoạch không gian biển và vùng nuôi ổn định: Chưa có quy hoạch không gian biển cụ thể cho nuôi biển, dẫn đến xung đột sử dụng với các ngành khác như du lịch, giao thông hàng hải, dầu khí, điện gió. Ngư dân và doanh nghiệp chưa được giao quyền sử dụng vùng biển ổn định dẫn đến thiếu an toàn đầu tư, khó tiếp cận vốn, hiện nuôi mang tính tự phát, thiếu kiểm soát môi trường và dịch bệnh.

Hạn chế về hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hậu cần: Thiếu hệ thống cảng chuyên dụng, khu neo đậu, kho lạnh, cơ sở bảo trì lồng bè hiện đại. Không có khu dịch vụ giống tập trung ngoài biển, hệ thống cung cấp điện nước, liên lạc, vận tải còn yếu. Khó khăn trong vận chuyển giống, thức ăn, sản phẩm thu hoạch từ lồng/bè về bờ và ngược lại.

Chưa phát triển công nghệ, thiết bị phù hợp: Lồng nuôi chủ yếu là bằng tre gỗ truyền thống, dễ hư hỏng trong điều kiện gió bão. Thiếu công nghệ nuôi biển xa bờ, chịu sóng, tự động hóa, dẫn đến chi phí cao, rủi ro lớn. Chưa sản xuất được thiết bị chuyên dụng cho nuôi biển khơi như lồng HDPE, hệ thống theo dõi từ xa…

Thiếu giống chất lượng cao: Nguồn giống phụ thuộc vào khai thác tự nhiên hoặc nhập khẩu, chất lượng không ổn định, nguy cơ mang mầm bệnh. Chưa hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhiều loài sinh vật biển có giá trị (cá biển, bào ngư, tôm hùm…) và chưa có hệ thống kiểm soát chất lượng giống đầu vào hoàn chỉnh.

Vốn đầu tư và chính sách hỗ trợ: Ngư dân và doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi. Thiếu chính sách tín dụng đặc thù cho nuôi biển (như bảo hiểm, thế chấp quyền sử dụng vùng nuôi…). Chính sách hỗ trợ hiện còn thiếu ổn định, chậm triển khai, hoặc không đủ sức hấp dẫn.

Thị trường tiêu thụ chưa ổn định, giá trị chưa cao: Sản phẩm nuôi biển hiện nay chủ yếu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tiểu ngạch, giá bấp bênh. Thiếu kết nối với chuỗi giá trị: chế biến sâu, chứng nhận chất lượng (ASC, VietGAP, EU…), truy xuất nguồn gốc. Chưa xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm nuôi biển, dẫn đến giá trị gia tăng thấp.

Thảo luận

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Các giải pháp trọng tâm bao gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách và khung pháp lý về nuôi biển; Quy hoạch không gian biển hợp lý, xác lập rõ vùng nuôi ổn định; Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, từ vùng nuôi, cảng cá đến hậu cần nghề cá; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến và công nghệ nuôi biển xa bờ; Hoàn thiện hệ thống cung ứng vật tư đầu vào nội địa; Tổ chức lại sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi giá trị hiện đại, phù hợp với điều kiện tự nhiên – xã hội từng vùng, hướng tới kinh tế tuần hoàn và phát thải thấp.

Lợi thế về điều kiện vùng và tiểu vùng sinh thái đặc trưng, thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản theo nhiều đối tượng và hình thức khác nhau. Trong đó, vùng trên triều là khu vực có tiềm năng phát triển nuôi cá biển tập trung theo hình thức công nghiệp, quy mô lớn, hiện đại. Tại đây, có thể xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất hoặc ương dưỡng con giống, nuôi, cung cấp thức ăn và vật tư đầu vào, đến khâu chế biến và xuất khẩu. Việc cung cấp nước biển sạch có thể thực hiện thông qua hệ thống đường ống hút từ vùng biển ngoài khơi; đồng thời, nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường, hoặc có thể tái sử dụng để cung cấp cho các vùng trồng rong và nuôi nhuyễn thể.

Đối với vùng cửa sông, ven bờ và các eo vụng, nên ưu tiên phát triển trồng rong biển và nuôi nhuyễn thể, phù hợp với đặc điểm thủy lý và khả năng tự làm sạch của môi trường. Ngoài ra, có thể phát triển các mô hình nuôi ghép tích hợp như cá biển – rong biển – nhuyễn thể, trên cơ sở thiết kế hợp lý để tận dụng sinh khối dư thừa và chất thải làm nguồn dinh dưỡng tuần hoàn, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả sinh thái – kinh tế của hệ thống nuôi.

Anh Vũ

Ý kiến

Thẩm quyền của địa phương trong lĩnh vực biển và hải đảo

Thẩm quyền của địa phương trong lĩnh vực biển và hải đảo

Chính quyền cấp xã có thẩm quyền quản lý sử dụng các khu vực biển và công nhận khu vực biển cho cá nhân Việt Nam để nuôi trồng thủy sản

Chuyển đổi số lĩnh vực biển đảo - Khởi đầu từ giao khu vực biển

Việc chuyển đổi phương thức quản lý tài nguyên biển, đảo truyền thống sang tiếp cận dựa trên dữ liệu số, công nghệ khiến nhu cầu chuyển đổi số ngày càng cấp bách
Cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương” - mô hình tuyên truyền hiệu quả xuất phát từ thực tiễn

Cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương” - mô hình tuyên truyền hiệu quả xuất phát từ thực tiễn

Suốt 12 năm được tổ chức từ năm 2013 đến nay, cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương” đã tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng thầy cô giáo và các em học sinh; được cấp ủy, chính quyền, ngành giáo dục các địa phương ghi nhận, đánh giá cao, có sức lan tỏa tốt