Ngày Môi trường Thế giới 2025 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề 'Chống ô nhiễm nhựa' (Beat Plastic Pollution)
Cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu
Dù nhựa mang lại nhiều tiện ích cho đời sống hiện đại, song việc nhân loại đang ngày càng phụ thuộc vào các sản phẩm nhựa dùng một lần đang kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng về môi trường, sức khỏe con người, xã hội và kinh tế.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi phút có đến một triệu chai nhựa được tiêu thụ trên toàn cầu, trong khi mỗi năm có tới 5.000 tỷ túi nhựa được sử dụng. Đáng chú ý, một nửa lượng nhựa sản xuất hiện nay là nhựa dùng một lần - chỉ sử dụng trong thời gian ngắn rồi bị loại bỏ.
Nhựa, bao gồm cả vi nhựa, đã xuất hiện ở khắp nơi trong môi trường tự nhiên. Chúng không chỉ len lỏi vào chuỗi thực phẩm mà còn trở thành một phần trong “hồ sơ hóa thạch” của trái đất, được xem là dấu tích đặc trưng của kỷ nguyên Nhân sinh (Anthropocene) - thời kỳ mà các hoạt động của con người định hình địa chất hành tinh. Thậm chí, nhựa đã định hình nên một hệ sinh thái vi sinh vật biển mới, gọi là “plastisphere”, tạm dịch là cộng đồng sinh vật sống trên bề mặt nhựa trôi nổi trong đại dương.
Ngày Môi trường Thế giới 2025 nhấn mạnh thông điệp về "chống ô nhiễm nhựa". Ảnh: UNEP. Từ những năm 1970, tốc độ sản xuất nhựa đã tăng lên nhanh chóng, vượt xa bất kỳ vật liệu nào khác. Nếu xu hướng này không thay đổi, sản lượng nhựa nguyên sinh toàn cầu có thể đạt mức 1.100 triệu tấn vào năm 2050.
Hiện nay, khoảng 36% lượng nhựa được sản xuất dùng trong bao bì - chủ yếu cho ngành thực phẩm và đồ uống - và khoảng 85% trong số đó sẽ kết thúc vòng đời tại các bãi chôn lấp hoặc bị thải bỏ dưới dạng chất thải không qua xử lý.
Ngoài ra, khoảng 98% sản phẩm nhựa dùng một lần được làm từ nguyên liệu hóa thạch, hay còn gọi là nhựa nguyên sinh. Phát thải khí nhà kính từ quy trình sản xuất, sử dụng và xử lý nhựa truyền thống được dự báo có thể chiếm tới 19% ngân sách carbon toàn cầu vào năm 2040.
Mặc dù hiện diện phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, nhựa dùng một lần là nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng. Trong tổng số khoảng 7 tỷ tấn rác thải nhựa đã được tạo ra từ trước đến nay, chưa đến 10% được tái chế. Hàng triệu tấn nhựa thất thoát vào môi trường, hoặc bị vận chuyển xuyên biên giới, phần lớn sẽ bị đốt hoặc chôn lấp. Mỗi năm, tổn thất kinh tế do mất giá trị trong quá trình phân loại và xử lý rác thải nhựa được ước tính từ 80 đến 120 tỷ USD.
Mẩu thuốc lá - với đầu lọc chứa vi nhựa - là loại rác thải nhựa phổ biến nhất trong môi trường. Tiếp theo là bao bì thực phẩm, chai nhựa, nắp chai, túi nilon, ống hút và que khuấy - những sản phẩm tưởng chừng vô hại nhưng đang góp phần hủy hoại hệ sinh thái.
Theo ước tính, hiện có từ 75-199 triệu tấn nhựa đang tồn tại trong các đại dương. Nếu không thay đổi cách thức sản xuất, tiêu dùng và xử lý nhựa, lượng nhựa đổ vào các hệ sinh thái nước có thể tăng gần gấp ba, từ 9–14 triệu tấn/năm (năm 2016) lên 23-37 triệu tấn/năm vào năm 2040.
Đáng chú ý, khoảng 1.000 con sông trên toàn cầu - chủ yếu là các sông đô thị nhỏ - đang vận chuyển gần 80% lượng chất thải nhựa từ đất liền ra biển (tương đương 0,8-2,7 triệu tấn mỗi năm).
Tình trạng này đòi hỏi hành động toàn cầu khẩn cấp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa đang ngày càng nghiêm trọng.
Vai trò nổi bật của nước chủ nhà Hàn Quốc
Trước thách thức cấp bách của ô nhiễm nhựa, Ngày Môi Trường Thế Giới năm 2025 lựa chọn chủ đề “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution) và Hàn Quốc được chọn là nước chủ nhà tổ chức các hoạt động chính thức.
Đảo Jeju - địa điểm đăng cai Ngày Môi trường Thế giới - là đơn vị hành chính duy nhất tại Hàn Quốc yêu cầu rác thải sinh hoạt phải được xử lý tại các trung tâm hỗ trợ phân loại tái chế được chỉ định. Hệ thống này buộc người dân phân loại rác ngay từ nguồn, góp phần tăng tỷ lệ tái chế và thúc đẩy tái sử dụng. Jeju cũng là tỉnh đầu tiên ở Hàn Quốc triển khai hệ thống hoàn trả tiền cọc cho cốc dùng một lần, thúc đẩy thói quen tiêu dùng bền vững. Từ năm 2022, tỉnh này đã tuyên bố mục tiêu trở thành vùng không còn ô nhiễm nhựa vào năm 2040.
Chiến dịch chống ô nhiễm nhựa tại đảo Jeju yêu cầu người dân phân loại rác ngay từ nguồn, góp phần tăng tỷ lệ tái chế và thúc đẩy tái sử dụng. Ảnh: Plastic Pollution Coalition. “Ngày Môi trường Thế giới 2025 sẽ là một cột mốc quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường toàn cầu, bởi chúng tôi kỳ vọng sẽ hoàn tất Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Là nước chủ nhà, Hàn Quốc cam kết dẫn đầu các nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa”, Bộ trưởng Môi trường Hàn Quốc Han Wha-jin khẳng định.
Đây là lần thứ hai Hàn Quốc đăng cai tổ chức Ngày Môi trường Thế giới, sau lần đầu tiên vào năm 1997 với chủ đề “Vì sự sống trên Trái đất”.
Trong gần ba thập kỷ qua, Hàn Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong cải thiện chất lượng không khí và nguồn nước, quản lý an toàn hóa chất, cũng như bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái. Nhờ kinh nghiệm lâu năm trong triển khai cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), quốc gia này hiện đang đi đầu trong các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa.
Hàn Quốc đang triển khai chiến lược quản lý nhựa theo vòng đời đầy đủ, bao gồm các giai đoạn sản xuất, thiết kế, tiêu dùng, tái sử dụng và tái chế. Chiến lược này huy động sự tham gia phối hợp giữa chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng nhằm thay đổi cách thức sản xuất và sử dụng nhựa. Thông qua việc giảm thiểu rác thải từ gốc, mở rộng hoạt động tái chế và thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, Hàn Quốc đang thực hiện những hành động quyết liệt để hướng tới một tương lai bền vững, không còn ô nhiễm nhựa.
Đáng chú ý, năm 2024, Hàn Quốc cũng đã đăng cai tổ chức Phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-5) về xây dựng thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Tuy đạt được một số tiến bộ, phiên họp vẫn chưa đi đến đồng thuận cuối cùng. Các nước thành viên thống nhất sẽ nối lại đàm phán tại phiên họp INC-5.2, dự kiến diễn ra vào tháng 8/2025 tại Geneva, Thụy Sĩ.
“Quan hệ đối tác vững mạnh và hợp tác bền chặt chính là nền tảng cho chủ nghĩa đa phương trong lĩnh vực môi trường. UNEP đánh giá cao Hàn Quốc vì đã đảm nhận vai trò chủ nhà Ngày Môi trường Thế giới 2025, hướng đến mục tiêu chung chấm dứt ô nhiễm nhựa toàn cầu,” bà Inger Andersen, Giám đốc Điều hành UNEP, nhấn mạnh.