Sign In

Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ đại dương tại UNOC3

08:28 16/06/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Trong khuôn khổ Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc lần thứ ba (UNOC3) tại Nice, Pháp, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam do ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam dẫn đầu đã có các cuộc làm việc song phương quan trọng với các tổ chức quốc tế như WWF và IUCN, nhằm thúc đẩy hợp tác về quản lý rác thải nhựa, bảo tồn biển và quy hoạch không gian biển quốc gia.

Đẩy mạnh hợp tác với WWF vì đại dương không nhựa

Sáng ngày 13/6/2025, đoàn Việt Nam đã tham dự cuộc họp song phương với đại diện của Tổ chức WWF trên tàu truyền thông Blue Panda - biểu tượng hành động vì đại dương của WWF - đang neo đậu tại cảng Nice trong khuôn khổ các sự kiện bên lề của UNOC3. Cuộc họp có sự tham dự của ông Axel Krumsiek, Giám đốc Hàng hải WWF Đức; đại diện Bộ Liên bang về Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân Đức; cùng các đại diện WWF Pháp, WWF Bồ Đào Nha, WWF Vương quốc Anh và các tổ chức liên quan.

Tàu truyền thông Blue Panda - biểu tượng hành động vì đại dương của WWF

Tại buổi làm việc, các bên đã cùng trao đổi về thành quả và định hướng tương lai của Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”. Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Toàn đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Đức thông qua WWF cho Dự án này. Sau 5 năm triển khai, dự án đã ghi nhận nhiều kết quả thiết thực: thúc đẩy trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), triển khai các chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi xã hội, xây dựng mô hình quản lý rác thải tại 10 tỉnh, thành phố ven biển và 3 khu bảo tồn biển. Các kết quả này không chỉ hỗ trợ thực thi Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 (ban hành theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), mà còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và năng lực thể chế trong quản lý chất thải tại nguồn.

Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn cùng Đoàn công tác đang trao đổi với ông Axel Krumsiek, Giám đốc Hàng hải WWF Đức

Bên cạnh đó, các bên cũng trao đổi về khả năng hợp tác trong các lĩnh vực mới, đặc biệt là quy hoạch không gian biển quốc gia, quản lý tổng hợp vùng bờ, và thúc đẩy giải pháp dựa vào thiên nhiên (NbS) trong quản lý tài nguyên biển. WWF đánh giá Việt Nam là một đối tác chủ động, có cam kết mạnh mẽ và tầm nhìn dài hạn trong bảo vệ đại dương và môi trường sống ven biển.

Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn, ông Axel Krumsiek, Giám đốc Hàng hải WWF Đức cùng Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm trên tàu truyền thông Blue Panda - biểu tượng hành động vì đại dương của WWF

Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”

Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được triển khai từ năm 2019 đến 2025 với sự tài trợ của Bộ Liên bang về Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân Đức, thông qua Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF tại Việt Nam. Đây là một trong những chương trình hợp tác quốc tế trọng điểm nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Qua 5 năm triển khai, dự án đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như hỗ trợ xây dựng các mô hình quản lý rác thải nhựa tại 10 tỉnh, thành phố ven biển và ba khu bảo tồn biển; thúc đẩy cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; và tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi xã hội, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng.

Không chỉ mang lại tác động tại địa phương, dự án còn đóng vai trò cầu nối hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực môi trường biển.

Thuyền buồm Blue Panda – Biểu tượng hành động vì đại dương của WWF

Blue Panda là con tàu truyền thông của WWF, đóng vai trò như một nền tảng di động nhằm kêu gọi bảo vệ đại dương và khuyến khích hành động vì môi trường.
Tàu đã thực hiện hành trình tại nhiều quốc gia châu Âu, tổ chức các triển lãm, hội thảo, giáo dục cộng đồng và gặp gỡ đối tác chiến lược. Tại UNOC3, Blue Panda là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện bên lề quan trọng. Cuộc gặp giữa Việt Nam và WWF vào sáng 13/6/2025 diễn ra chính tại tàu, đánh dấu một bước tiến hợp tác thiết thực trong thúc đẩy các sáng kiến quản lý rác thải nhựa và phát triển biển bền vững.

 

Lưu Anh Đức (đưa tin từ Nice, Pháp)

Ý kiến

Đa dạng thành phần loài và phân bố sinh thái của động vật đáy tại Gò Đồi ngầm Cô Tô – Thanh Lân (Quảng Ninh)

Gò đồi ngầm Cô Tô – Thanh Lân có những đặc thù sinh thái riêng biệt, nguồn lợi sinh vật đáy đa dạng và là nơi khai thác thủy sản của nhiều ngư dân địa phương, tuy nhiên, đến nay chưa có nghiên cứu nào cụ thể ở gò đồi ngầm này để phục vụ quản lý nguồn lợi hiệu quả. Nghiên cứu này đã được thực hiện trong hai đợt khảo sát thực địa bằng phương pháp lặn SCUBA, thu mẫu thành phần loài và sinh thái, định danh loài và phân tích phân bố sinh thái thực hiện vào năm 2023 và 2024. Kết quả phân tích cho thấy khu vực này có ba dạng nền đáy đặc trưng gồm: dạng nền đáy rạn san hô (ở khu vực đỉnh gò với độ sâu 12 – 15m); dạng nền đáy đá tảng và cụm san hô (ở khu vực sườn gò, có độ sâu 18 – 22m); dạng nền đáy cát bùn (ở chân gò với độ sâu từ 25 – 35m). Tổng số 95 loài động vật đáy thuộc ba nhóm chính là Mollusca, Arthropoda và Echinodermata đã được ghi nhận lần đầu tiên ở gò đồi ngầm Cô Tô – Thanh Lân. Sự phân bố của một số nhóm loài đặc trưng theo dải độ sâu và dạng nền đáy như loài Mauritia arabica tập trung ở vùng đá rạn nông (14–20 m), trong khi Atrina vexillum, Pteria penguin và Colochirus quadrangularis hiện diện chủ yếu ở tầng sâu (>25 m). Nghiên cứu cũng ghi nhận có một số loài có giá trị kinh tế như Atrina vexillum, Pteria peasei và Mauritia arabica. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp bảo tồn và quản lý khai thác hợp lý nhằm bảo vệ nguồn lợi sinh vật đáy và hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững tại các gò đồi ngầm trong tương lai
Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi và nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tối đa tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.
“Thực phẩm xanh” tạo nên làn sóng bền vững và an ninh ở Đông Á

“Thực phẩm xanh” tạo nên làn sóng bền vững và an ninh ở Đông Á

Trước khủng hoảng khí hậu và khan hiếm nước, Đông Á đang nổi lên với giải pháp thực phẩm xanh – mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững giúp cứu hệ thống lương thực thế giới