Sign In

Đại dương đã thỉnh cầu, nhân loại cần hành động

16:01 13/06/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Bức thư 'Lời thỉnh cầu của đại dương' không chỉ gợi cảm xúc mà còn đánh thức lương tri về trách nhiệm bảo vệ sự sống trên Trái đất.

Một lời thỉnh cầu khẩn thiết vang lên từ lòng đại dương. Không phải bằng âm thanh, nó được cất lên từ bức thư giàu xúc cảm và kịch tính của một nữ sinh nhỏ tuổi ở Đà Nẵng gửi đến đạo diễn nổi tiếng James Cameron.

Bức thư đã đoạt giải Nhất tại Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 54 (năm 2025) do Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) tổ chức với chủ đề: “Tưởng tượng bạn là đại dương. Hãy viết một bức thư cho ai đó giải thích lý do và cách họ nên làm để chăm sóc, bảo vệ bạn thật tốt”.

Với trí tưởng tượng phong phú, nữ sinh Minh Khuê đã hóa thân thành đại dương, gửi “lời thỉnh cầu” thống thiết đến nhân loại. Bức thư chạm đến một vấn đề lớn của thời đại: Đại dương đã bị con người đẩy đến bờ vực diệt vong.

Đại dương đã bị con người đẩy đến bờ vực diệt vong. Ảnh minh họa.

Bằng việc “mượn” các tác phẩm nghệ thuật điện ảnh nổi tiếng như Titanic, The Abyss và Avatar, thông điệp về sự sống và bảo vệ đại dương đã được Minh Khuê gửi gắm tới người đọc một cách khéo léo, tinh tế.

Bức thư ấy không dừng lại ở việc gợi nhớ về vẻ đẹp, sức mạnh hay sự huyền bí của đại dương trong trí tưởng tượng con người, mà sâu xa hơn, đó là một lời cảnh báo nghiêm túc: “Ta đang bị giết. Và khi ta chết, loài người cũng tận thế”. Những dòng chữ đó vang lên như tiếng chuông báo động, dội thẳng vào tâm thức những người đang sống trên Trái đất, đặc biệt là những con người vẫn thờ ơ trước hiện thực của rác thải nhựa, nước biển dâng, acid hóa đại dương, khai thác quá mức và suy giảm đa dạng sinh học biển…

Tác phẩm của Minh Khuê không đơn thuần là một bài dự thi, mà là sự khẳng định mạnh mẽ về quyền được lên tiếng của thế hệ trẻ - những người tuy chưa thể "ra khơi" hay bước chân vào phòng họp quốc tế, nhưng đủ năng lực sáng tạo để lay động thế giới. Khi một em học sinh có thể tạo nên một “kịch bản phim” có sức lan tỏa và tính phản biện cao như vậy, ta hiểu rằng giáo dục môi trường không phải là môn học giải trí xa xỉ, mà phải là nền tảng bắt buộc nếu muốn xây dựng một tương lai bền vững.

Đại dương bao phủ hơn 70% bề mặt hành tinh, chứa đến 97% lượng nước trên Trái đất, sản sinh khoảng 50% lượng oxy trong khí quyển, điều hòa khí hậu và nuôi dưỡng hàng tỷ sinh vật - trong đó có con người. Tuy vậy, chính nơi bao la ấy lại đang trở thành bãi thải khổng lồ của nhân loại.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm có hơn 11 triệu tấn nhựa trôi ra biển và con số này có thể tăng gần gấp 3 vào năm 2040 nếu không có giải pháp kịp thời. Những “đại dương chết” - nơi không còn đủ oxy để duy trì sự sống - đang xuất hiện ngày càng nhiều. San hô bị tẩy trắng, cá voi nuốt phải túi nilon, vi nhựa len lỏi trong từng tế bào của cá, từng hạt muối - thứ chúng ta nạp vào cơ thể mỗi ngày.

Chúng ta đã chứng kiến các nỗ lực của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế và các phong trào cộng đồng nhằm làm sạch biển, tái tạo san hô, giảm thiểu nhựa dùng một lần, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và “lục địa xanh” đại dương. Nhưng như chính bức thư cảnh báo: “Tất cả những dự án trên chỉ là muối bỏ biển nếu không có sự chung tay của TOÀN NHÂN LOẠI”.

Rùa biển vật lộn trong lưới "ma" thải ra từ quá trình con người đánh bắt trên biển. Ảnh minh họa.

Thông điệp đó đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các vùng biển Đông Nam Á đang đứng trước nguy cơ trở thành “điểm nóng ô nhiễm nhựa” của thế giới. Việt Nam, quốc gia biển với hơn 3.260km đường bờ biển, sinh kế của hàng triệu người Việt Nam phụ thuộc vào hệ sinh thái đại dương: đánh bắt hải sản, du lịch biển, giao thương hàng hải, thậm chí văn hóa tín ngưỡng. Nếu đại dương suy kiệt, nền kinh tế xanh và an ninh lương thực của chúng ta sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Bức thư của Minh Khuê là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng: chúng ta không còn thời gian để chần chừ. Cần hành động ngay hôm nay, từ những việc nhỏ nhất như không xả rác ra biển, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, tham gia vào các phong trào làm sạch bờ biển… cho tới chính sách lớn như tăng đầu tư cho công nghệ xử lý rác thải, xây dựng các vùng bảo tồn biển và giáo dục học sinh nhận thức về giá trị của đại dương từ sớm.

Sẽ không còn là “một bức thư giả tưởng” nếu trong tương lai, chính đại dương thực sự không thể hồi phục. Khi ấy, lời thỉnh cầu sẽ biến thành di chúc. Và bộ phim mang tên “Lời thỉnh cầu của đại dương” có thể sẽ trở thành bộ phim tài liệu cuối cùng.

Minh Khuê đã hoàn thành phần việc của em - viết ra một tác phẩm đầy lay động để truyền cảm hứng. Còn phần việc của chúng ta - những người trưởng thành, những nhà hoạch định chính sách, những nhà báo, nhà giáo dục và công dân toàn cầu - là biến những cảm xúc ấy thành hành động cụ thể.

Đại dương đã thỉnh cầu. Giờ là lúc nhân loại cần hành động. Không chỉ để cứu đại dương, mà là để cứu chính mình.

 

Theo: nongnghiepmoitruong.vn

Ý kiến

Đa dạng thành phần loài và phân bố sinh thái của động vật đáy tại Gò Đồi ngầm Cô Tô – Thanh Lân (Quảng Ninh)

Gò đồi ngầm Cô Tô – Thanh Lân có những đặc thù sinh thái riêng biệt, nguồn lợi sinh vật đáy đa dạng và là nơi khai thác thủy sản của nhiều ngư dân địa phương, tuy nhiên, đến nay chưa có nghiên cứu nào cụ thể ở gò đồi ngầm này để phục vụ quản lý nguồn lợi hiệu quả. Nghiên cứu này đã được thực hiện trong hai đợt khảo sát thực địa bằng phương pháp lặn SCUBA, thu mẫu thành phần loài và sinh thái, định danh loài và phân tích phân bố sinh thái thực hiện vào năm 2023 và 2024. Kết quả phân tích cho thấy khu vực này có ba dạng nền đáy đặc trưng gồm: dạng nền đáy rạn san hô (ở khu vực đỉnh gò với độ sâu 12 – 15m); dạng nền đáy đá tảng và cụm san hô (ở khu vực sườn gò, có độ sâu 18 – 22m); dạng nền đáy cát bùn (ở chân gò với độ sâu từ 25 – 35m). Tổng số 95 loài động vật đáy thuộc ba nhóm chính là Mollusca, Arthropoda và Echinodermata đã được ghi nhận lần đầu tiên ở gò đồi ngầm Cô Tô – Thanh Lân. Sự phân bố của một số nhóm loài đặc trưng theo dải độ sâu và dạng nền đáy như loài Mauritia arabica tập trung ở vùng đá rạn nông (14–20 m), trong khi Atrina vexillum, Pteria penguin và Colochirus quadrangularis hiện diện chủ yếu ở tầng sâu (>25 m). Nghiên cứu cũng ghi nhận có một số loài có giá trị kinh tế như Atrina vexillum, Pteria peasei và Mauritia arabica. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp bảo tồn và quản lý khai thác hợp lý nhằm bảo vệ nguồn lợi sinh vật đáy và hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững tại các gò đồi ngầm trong tương lai
Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi và nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tối đa tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.
“Thực phẩm xanh” tạo nên làn sóng bền vững và an ninh ở Đông Á

“Thực phẩm xanh” tạo nên làn sóng bền vững và an ninh ở Đông Á

Trước khủng hoảng khí hậu và khan hiếm nước, Đông Á đang nổi lên với giải pháp thực phẩm xanh – mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững giúp cứu hệ thống lương thực thế giới