Sign In

Nhà đầu tư ngoại được nắm tối đa 95% dự án điện gió ngoài khơi

15:02 17/03/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Nhà đầu tư ngoại tham gia liên doanh trong dự án điện gió ngoài khơi, nhưng không được vượt quá 95% vốn góp, theo Nghị định của Chính phủ.

Theo Nghị định 58/2025 hướng dẫn Luật Điện lực sửa đổi, Chính phủ quy định doanh nghiệp ngoại được tham gia đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án điện gió ngoài khơi. Song, các doanh nghiệp này phải có kinh nghiệm phát triển ít nhất một dự án điện gió ngoài khơi.

Tại các dự án này, họ có thể đầu tư trực tiếp hoặc góp vốn tối thiểu 15% tổng mức đầu tư, trong đó tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên vốn góp phải từ 20% trở lên. Nếu không góp vốn, các đơn vị này phải có kinh nghiệm ở một trong các hoạt động như quản lý dự án, thiết kế, thi công xây dựng. Trường hợp nhiều nhà đầu tư liên danh, điều kiện về kinh nghiệm được tính bằng tổng kinh nghiệm của các thành viên trong liên danh.

Nhà đầu tư nước ngoài muốn làm dự án điện gió ngoài khơi cũng phải cam kết sử dụng nhân lực, hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp trong nước. Việc này trên nguyên tắc bảo đảm cạnh tranh về giá, chất lượng, tiến độ.

Cùng với đó, dự án điện gió ngoài khơi sẽ triển khai tại Việt Nam phải có doanh nghiệp nội tham gia tối thiểu 5% vốn điều lệ. Các đơn vị nội địa phải là doanh nghiệp có 100% hoặc trên 50% vốn nhà nước. Họ cũng phải có kinh nghiệm trong việc đầu tư phát triển ít nhất 1 dự án năng lượng vận hành tại Việt Nam hoặc các nước khác.

Dự án điện gió ngoài khơi là khoản đầu tư lớn với những rủi ro đáng kể. Do đó, giới chuyên môn cho rằng lợi thế khi có sự tham gia của đối tác nước ngoài giúp giảm thiểu rủi ro cho các dự án thí điểm.

Thực tế, thời gian qua một số nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện tái tạo ngỏ ý muốn thực hiện dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Chẳng hạn, Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) của Đan Mạnh có kế hoạch phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn công suất 3,5 GW tại Bình Thuận. Hay Tập đoàn PNE đến từ Đức cũng muốn thực hiện một dự án lên tới 4,6 tỷ USD tại Bình Định.

Việc doanh nghiệp nội và ngoại cùng tham gia dự án điện gió ngoài khơi, theo ông Stuart Livesey, đại diện Tập đoàn CIP sẽ giúp phát huy thế mạnh, đem lại hiệu quả và lợi ích tốt nhất khi phát triển loại năng lượng này. Tháng 3/2024 CIP đã ký hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp năng lượng Việt Nam (PVN) nghiên cứu phát triển dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các đối tác uy tín có thể mang lại vốn, kinh nghiệm cần thiết giúp các doanh nghiệp nội giảm rủi ro, xây dựng chuỗi cung ứng địa phương và hỗ trợ đàm phán với các nhà cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, nếu tham gia vào các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, các công ty ngoại có thể chuyển giao kiến thức, giải pháp và công nghệ mới nhất.

"Doanh nghiệp nước ngoài không nên tới Việt Nam chỉ để thực hiện dự án, thu lời rồi rời đi. Chúng tôi nhìn nhận Việt Nam là đối tác dài hạn và muốn được hợp tác cùng các doanh nghiệp trong nước, xây dựng điện gió ngoài khơi từ bước ban đầu tới một ngành công nghiệp độc lập, tự chủ", ông Stuart Livesey nói thêm.

Một trang trại điện gió ngoài khơi Đông Yorkshire. Ảnh: CGTN

Một trang trại điện gió ngoài khơi Đông Yorkshire. Ảnh: CGTN

Theo Quy hoạch điện VIII, công suất điện gió ngoài khơi đến năm 2030 khoảng 6.000 MW, nhưng đến nay chưa có dự án nào được quyết định chủ trương và giao đầu tư.

Tại dự thảo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đề xuất phát triển nguồn điện này sau năm 2030, đạt khoảng 17.000 MW vào 2035. Thay vào đó, 5 năm tới Việt Nam sẽ phát triển tăng điện gió trên bờ, gần bờ với 27.791-34.667 MW, thêm khoảng 15% so với quy hoạch hiện nay.

Cũng theo Nghị định, điện gió ngoài khơi sẽ được áp dụng mức bao tiêu sản phẩm là 80%, trong tối đa 15 năm với dự án bán điện lên hệ thống lưới quốc gia.

Để được ưu đãi này, dự án phải được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày 1/1/2031. Ngoài ra, các dự án phải có công suất thuộc 6.000 MW được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại quy hoạch phát triển điện lực.

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng việc điện gió ngoài khơi được bao tiêu sản lượng tới 80% là phù hợp, đủ tạo đầu ra ổn định thu hút đầu tư vào loại năng lượng này. Trong tương lai, để tăng cạnh tranh, việc bao tiêu sản phẩm có thể giảm đi tương ứng với cơ sở hạ tầng điện được nâng cấp.

Cùng quan điểm, một chuyên gia năng lượng khác cho rằng mức bao tiêu 80% là "rất tốt trong bối cảnh các loại hình điện khác chưa có được ưu đãi như vậy". Chẳng hạn bao tiêu sản lượng với dự án điện khí LNG khoảng 65%. "Mức này phù hợp với hoạt động điện gió ngoài khơi, bởi đây là loại nguồn điện yêu cầu đầu tư lớn, phức tạp kỹ thuật và rủi ro cao", bà nói.

Ngân hàng Thế giới (WB) từng đánh giá tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam khoảng 600 GW. Về triển vọng, nguồn năng lượng này có thể cung cấp 12% tổng sản lượng điện quốc gia vào 2035.

Tuy vậy, TS Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) lưu ý các chính sách ưu đãi như bao tiêu sản lượng điện nên xét đến yếu tố địa lý của địa phương.

Theo ông, thời hạn bao tiêu tối đa 15 năm với dự án ở các khu vực, vùng miền khác nhau là chưa hợp lý. Chẳng hạn, dự án ở khu vực Vịnh Bắc bộ sẽ khó thu hồi vốn trong khoảng thời gian 15 năm theo quy định, do đặc tính gió ở đây yếu hơn miền Duyên hải Nam Trung Bộ. Hiện nhiều nước đưa ra thời hạn bao tiêu với dự án điện gió ngoài khơi là 20 năm, thậm chí 25 năm theo tuổi thọ công trình.

Ngoài ra, theo ông cần có thêm chính sách hỗ trợ như giá mua điện hợp lý, miễn giảm thuế xuất nhập khẩu thiết bị cho các dự án phát triển ở khu vực có nguy cơ thiếu điện cao, như miền Bắc.

Liên quan tới giá mua điện, theo Nghị định 58, mức trần trong hồ sơ mời thầu bằng ngưỡng tối đa của khung giá phát điện gió ngoài khơi do Bộ trưởng Công Thương ban hành. Giá trúng thầu là mức tối đa để bên mua (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVN) đàm phán với nhà đầu tư.

Với dự án để xuất khẩu điện không qua hệ thống lưới quốc gia do nhà đầu tư trong nước rót vốn 100% hoặc góp trên 50% vốn điều lệ, giá xuất khẩu cũng không được thấp hơn mức tối đa trong khung giá phát do Bộ trưởng Công Thương ban hành.

Phương Dung - Trí Khang, vnexpress.net

Ý kiến

Đa dạng thành phần loài và phân bố sinh thái của động vật đáy tại Gò Đồi ngầm Cô Tô – Thanh Lân (Quảng Ninh)

Gò đồi ngầm Cô Tô – Thanh Lân có những đặc thù sinh thái riêng biệt, nguồn lợi sinh vật đáy đa dạng và là nơi khai thác thủy sản của nhiều ngư dân địa phương, tuy nhiên, đến nay chưa có nghiên cứu nào cụ thể ở gò đồi ngầm này để phục vụ quản lý nguồn lợi hiệu quả. Nghiên cứu này đã được thực hiện trong hai đợt khảo sát thực địa bằng phương pháp lặn SCUBA, thu mẫu thành phần loài và sinh thái, định danh loài và phân tích phân bố sinh thái thực hiện vào năm 2023 và 2024. Kết quả phân tích cho thấy khu vực này có ba dạng nền đáy đặc trưng gồm: dạng nền đáy rạn san hô (ở khu vực đỉnh gò với độ sâu 12 – 15m); dạng nền đáy đá tảng và cụm san hô (ở khu vực sườn gò, có độ sâu 18 – 22m); dạng nền đáy cát bùn (ở chân gò với độ sâu từ 25 – 35m). Tổng số 95 loài động vật đáy thuộc ba nhóm chính là Mollusca, Arthropoda và Echinodermata đã được ghi nhận lần đầu tiên ở gò đồi ngầm Cô Tô – Thanh Lân. Sự phân bố của một số nhóm loài đặc trưng theo dải độ sâu và dạng nền đáy như loài Mauritia arabica tập trung ở vùng đá rạn nông (14–20 m), trong khi Atrina vexillum, Pteria penguin và Colochirus quadrangularis hiện diện chủ yếu ở tầng sâu (>25 m). Nghiên cứu cũng ghi nhận có một số loài có giá trị kinh tế như Atrina vexillum, Pteria peasei và Mauritia arabica. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp bảo tồn và quản lý khai thác hợp lý nhằm bảo vệ nguồn lợi sinh vật đáy và hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững tại các gò đồi ngầm trong tương lai
Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi và nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tối đa tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.
“Thực phẩm xanh” tạo nên làn sóng bền vững và an ninh ở Đông Á

“Thực phẩm xanh” tạo nên làn sóng bền vững và an ninh ở Đông Á

Trước khủng hoảng khí hậu và khan hiếm nước, Đông Á đang nổi lên với giải pháp thực phẩm xanh – mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững giúp cứu hệ thống lương thực thế giới
EMC Đã kết nối EMC