Trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa, Việt Nam đã và đang thể hiện vai trò chủ động, tiên phong, tích cực khi giải quyết thách thức lớn nhất đối với môi trường hiện nay.
Đối mặt “ô nhiễm trắng”
Ô nhiễm trắng (white pollution) là một thuật ngữ chỉ tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, đặc biệt là túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần gây ra.
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm, thế giới sản xuất khoảng 430 triệu tấn nhựa, trong đó hơn 2/3 là các sản phẩm sử dụng một lần, nhanh chóng trở thành rác thải, gây ô nhiễm đại dương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Rác thải nhựa đe dọa nghiêm trọng đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Ảnh: Yên Thi.
Nhựa trở thành mối nguy lớn cho môi trường bởi số lượng lớn, đặc tính khó phân hủy trong môi trường và khả năng di chuyển xa. Phải mất đến hàng trăm năm, thậm chí cả nghìn năm, những chiếc túi nilon mỏng, nhẹ mới phân hủy được. Đã có những nghiên cứu cho thấy, vi nhựa và nhựa nano xâm nhập vào máu, gan, thận và não người. Việc sản xuất nhựa cũng chịu trách nhiệm cho hơn 3% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, góp phần gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu.
Tất cả những điều này khiến ô nhiễm nhựa làm trầm trọng thêm “bộ ba” cuộc khủng hoảng của hành tinh gồm: biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường.
Trước thực trạng này, ông António Guterres - Tổng thư ký Liên hợp quốc cảnh báo: “Quá lâu rồi, chúng ta đã “đá” những chai nhựa sang tương lai”!
Tại Việt Nam, ước tính phát sinh khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, nhưng chỉ khoảng 27% được tái chế, phần lớn còn lại bị chôn lấp hoặc đốt bỏ, gây lãng phí tài nguyên và tiềm ẩn nhiều rủi ro môi trường, nhất là ở khu vực biển và ven biển.
Theo tính toán của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới, ước tính Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD mỗi năm vì không tái chế hết rác thải nhựa từ sinh hoạt.
Chuyển đổi thực chất, hiệu quả
Cách đây 6 năm, cũng nhân dịp Ngày Môi trường thế giới (5/6/2019), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phát động Chiến dịch toàn quốc chống rác thải nhựa với thông điệp: “Nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của người đứng đầu Chính phủ, một làn sóng “nói không với rác nhựa” diễn ra rộng khắp, từ Trung ương tới địa phương, từ thiết kế chính sách đến những hành động cụ thể.
Phong trào “nói không với rác nhựa” diễn ra rộng khắp, từ Trung ương tới địa phương, từ thiết kế chính sách đến những hành động cụ thể. Ảnh: Yên Thi.
Với nhiều điểm mới mang tính đột phá, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã lần đầu tiên quy định một cách rõ ràng về yêu cầu phân loại chất thải rắn sinh hoạt, tái chế, tái sử dụng chất thải; đưa kinh tế tuần hoàn được thể chế hóa trong Luật và Nghị định hướng dẫn thi hành.
Đặc biệt, với Luật Bảo vệ môi trường 2020, Việt Nam trở thành nước đầu tiên ở Đông Nam Á áp dụng quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu (EPR) – một công cụ pháp lý quan trọng để thiết lập ngành công nghiệp tái chế ở Việt Nam, giúp hạn chế đồ nhựa và đưa nhựa vào vòng đời mới.
Trong thực tiễn, nhận thức về tác hại của đồ nhựa dùng một lần đã tăng lên mạnh mẽ và hiện sinh bằng các hành động cụ thể. Đã có những mô hình đô thị giảm nhựa tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Kiên Giang, Quảng Trị.
Nhiều mô hình giảm thiểu rác thải nhựa đã được triển khai. Ảnh: Yên Thi.
Đã có một Cô Tô, Bạch Long Vỹ, Cù Lao Chàm, Côn Đảo, Phú Quốc kết nối thành hệ thống các đảo “Nói không với rác thải nhựa”. Đã có những trường học không rác nhựa, chợ dân sinh dùng làn nhựa thay túi nilon, siêu thị dùng túi phân hủy sinh học thay túi nilon sử dụng một lần, cửa hàng dùng cốc, ống hút giấy… Đã có liên minh tái chế được hình thành, những nhà sản xuất tự đổi mới công nghệ…Những biểu hiện ấy là minh chứng sống động cho cuộc chiến chống rác thải nhựa đã và đang đạt được những kết quả tích cực trong suốt những năm qua tại Việt Nam.
Chủ động, tiên phong kiến tạo tương lai xanh
Thế nhưng, mối đe dọa mang tên “rác thải nhựa” vẫn còn đó, khi chúng vẫn gia tăng theo xu hướng đô thị hóa, tăng dân số và đặc biệt khi thương mại điện tử phát triển.
Những ảnh hưởng lớn từ rác thải nhựa đã thúc đẩy các quốc gia trên thế giới hướng đến Thỏa thuận toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa từ năm 2022.
Nhìn về lịch sử, trước khi quốc tế có Nghị quyết 514 – Nghị quyết tạo cơ sở để cộng đồng quốc tế tham gia đàm phán xây dựng Thoả thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, Việt Nam đã cùng với các nước như Đức, Canada và Ecuador tổ chức Hội nghị Bộ trưởng về vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa.
Chính từ hội nghị này, Việt Nam cùng ba nước đã ra một tuyên bố cấp Bộ trưởng ủng hộ cho việc đàm phán Thoả thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Bởi vậy, đến nay, nhiều quốc gia vẫn coi Việt Nam cùng ba nước là một trong các quốc gia khởi sinh việc đàm phán Thoả thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.
Sau khi có Nghị quyết 514, Việt Nam đã chủ động cùng khoảng 200 quốc gia trải qua 5 vòng đàm phán của Ủy ban Đàm phán Liên Chính phủ (INC) để đưa ra một Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Thỏa thuận này khi được thông qua sẽ tạo ra những tác động sâu rộng tới mọi khía cạnh kinh tế - xã hội của Việt Nam và thế giới, thậm chí sẽ tạo ra cuộc cách mạng về kinh tế nhựa từ thiết kế sản phẩm đến sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ và tái chế các sản phẩm nhựa...
Dù tham vọng hoàn thành đàm phán vào cuối năm 2024 chưa đạt được, song cơ hội để các quốc gia cùng đồng thuận về một Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa vẫn rộng mở. Các quốc gia sẽ tiếp tục tìm tiếng nói chung trong năm 2025 ở các phiên đàm phán tiếp theo.
Bài toán đối với Việt Nam là: Việt Nam chuẩn bị gì, thích ứng như thế nào nếu một Thỏa thuận về nhựa được thông qua, có tác động và trách nhiệm pháp lý không kém so với Thỏa thuận về biến đổi khí hậu?
Giải quyết “ô nhiễm trắng” không phải là trách nhiệm của một quốc gia, một tổ chức hay cộng đồng đơn lẻ. Ảnh: Yên Thi.
Theo các chuyên gia, là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam cần thời gian để “thích nghi” với những quy định, tiêu chuẩn trong tương lai.
Song bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tính toán đến những cái sản phẩm thay thế đồ nhựa dùng một lần, đảm bảo tính khả thi cả về công nghệ và kinh tế. Thiết lập thêm cơ sở hạ tầng để xử lý các sản phẩm nhựa sau khi thải bỏ, đảm bảo không gây trầm trọng thêm ô nhiễm môi trường.
Doanh nghiệp phải thực sự chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất sang hướng xanh và bền vững hơn, nắm bắt thời cơ để tham gia vào không gian của kinh tế tuần hoàn mà Nhà nước đang nỗ lực kiến tạo. Người dân nâng cao nhận thức và thực sự thay đổi hành vi, vì một tương lai bền vững hơn.
Rõ ràng, giải quyết “ô nhiễm trắng” không phải là trách nhiệm của một quốc gia, một tổ chức hay cộng đồng đơn lẻ.
Nói như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy khi đánh giá về “Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” rằng: “Chương trình, hoạt động thành công cần sự đồng thuận chiến lược giữa các bên; sự phối hợp hiệu quả của Nhà nước, các tổ chức quốc tế cùng sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng địa phương; việc tích hợp chính sách - công nghệ - truyền thông trong một khung quản trị thống nhất, tạo nên mô hình hợp tác đa phương hiệu quả”.
Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2025 do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Chống ô nhiễm nhựa”. Đây là lần thứ hai trong vòng ba năm (2023-2025), chủ đề này được lựa chọn, thể hiện rõ tính ưu tiên toàn cầu trong kiểm soát ô nhiễm nhựa, đồng thời tái khẳng định cam kết sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học, nâng cao khả năng thích ứng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường hợp tác khu vực-toàn cầu, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2025 do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Chống ô nhiễm nhựa”. Đây là lần thứ hai trong vòng ba năm (2023-2025), chủ đề này được lựa chọn, thể hiện rõ tính ưu tiên toàn cầu trong kiểm soát ô nhiễm nhựa, đồng thời tái khẳng định cam kết sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học, nâng cao khả năng thích ứng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường hợp tác khu vực-toàn cầu, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.