Việt Nam sẽ tham gia cuộc đàm phán hướng đến Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa (INC 5.2), dự kiến diễn ra vào tháng 8/2025 tại Geneva, Thụy Sĩ.
Trước thềm vòng đàm phán INC 5.2 về thỏa thuận nhựa toàn cầu, các chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị hỗ trợ đoàn đàm phán Việt Nam.
Thế giới đang hướng tới vòng đàm phán INC 5.2 nhằm xây dựng một thỏa thuận nhựa toàn cầu để giải quyết vấn đề ô nhiễm trắng. Ảnh: UN.Linh hoạt với các nước đang phát triển
Ông Phạm Văn Hiếu, chuyên gia tư vấn chính sách của UNDP, nhận định việc sử dụng văn bản của Chủ tịch Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC) - công bố sau INC 5.1, làm cơ sở đàm phán cho thỏa thuận nhựa toàn cầu tại INC 5.2 là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thực tiễn và quyền lợi cho các nước đang phát triển như Việt Nam, ông cho rằng cần có những điều chỉnh theo hướng linh hoạt, hỗ trợ và có tính đến chênh lệch năng lực.
Theo đó, ông Hiếu đã đưa ra đề xuất với các điều khoản trong dự thảo thỏa thuận nhựa toàn cầu. Đầu tiên, với quy định về miễn trừ sản phẩm nhựa, ông cho rằng cần đảm bảo minh bạch, có thời hạn rõ ràng và chỉ áp dụng cho các trường hợp thực sự cần thiết. Danh mục miễn trừ nên được thống nhất ở cấp quốc tế nhưng nên có sự linh hoạt để các quốc gia đang phát triển tùy biến theo điều kiện và nhu cầu nội tại.
Về phía các tổ chức phi chính phủ, bà Quách Thị Xuân, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Pacific Environment tại Việt Nam, cho rằng một thỏa thuận nhựa toàn cầu hiệu quả phải bao phủ toàn bộ vòng đời của nhựa, từ khai thác, sản xuất, tiêu dùng đến thải bỏ, và tập trung vào 3 trụ cột chính: Giảm sản xuất nhựa nguyên sinh, loại bỏ nhựa độc hại, và thiết lập cơ chế tài chính công bằng.
Còn theo PGS.TS Vũ Thanh Ca (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), trong quá trình đàm phán, Việt Nam, cùng các nước đang phát triển, nên chủ động đề xuất nội dung thay vì chỉ dừng lại ở việc phản biện dự thảo, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và thúc đẩy một hiệp ước công bằng, khả thi.
Phân rõ trách nhiệm trong việc cắt giảm sản lượng nhựa
Về thiết kế sản phẩm, chuyên gia UNDP Phạm Văn Hiếu đề xuất không áp dụng chuẩn chung cứng nhắc, mà nên cho phép mỗi nước xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật riêng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và năng lực hiện có. Các nước phát triển có thể loại bỏ hoàn toàn nhựa độc hại, trong khi các nước đang phát triển cần lộ trình linh hoạt hơn.
Bên cạnh đó, bà Quách Thị Xuân đề xuất đưa vào thỏa thuận các nghĩa vụ pháp lý nhằm thúc đẩy thiết kế nhựa có thể tái sử dụng an toàn, không độc hại.
Bà Quách Thị Xuân - Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương tại Việt Nam cho rằng, thỏa thuận nhựa toàn cầu cần đủ mạnh, đủ công bằng và hiệu quả. Ảnh: NPAP.Đối với phát thải nhựa, đặc biệt phát thải vào không khí và nguồn nước, dự thảo thỏa thuận nhựa toàn cầu cần tích hợp thêm điều khoản kiểm soát cụ thể, đồng thời thúc đẩy sự phối hợp với các công ước quốc tế hiện có như Basel, Stockholm hay MARPOL. Tuy nhiên, cần lưu ý tới hạn chế về năng lực giám sát và kiểm soát của nhiều quốc gia, đồng thời bổ sung hỗ trợ kỹ thuật và tài chính kèm theo.
Cụ thể, về kiểm soát sản xuất, bà Xuân đề xuất thỏa thuận cần đưa ra các mục tiêu quốc gia cụ thể để phân rõ trách nhiệm trong việc cắt giảm sản lượng nhựa. Chu kỳ cập nhật các mục tiêu này nên tăng lên 2 năm/lần, thay vì thời hạn 5 năm như hiện tại, nhằm phản ứng kịp thời với cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa và những tác động nghiêm trọng đến khí hậu, đa dạng sinh học và sức khỏe con người.
Trong lĩnh vực quản lý chất thải, ông Hiếu ủng hộ quy định cấm đốt và chôn lấp lộ thiên, nhưng nhấn mạnh cần cụ thể hóa thành lộ trình phù hợp với từng quốc gia. Đặc biệt, thỏa thuận nhựa nên thiết lập hệ thống kiểm soát xuất nhập khẩu chất thải chặt chẽ và phân cấp quản lý rác nhựa hiệu quả, đồng thời bảo đảm nguồn tài chính và kỹ thuật cho các nước đang phát triển thực hiện nghĩa vụ.
Còn bà Xuân nhất trí áp dụng hệ thống phân cấp, ưu tiên giảm phát sinh, sau đó là tái sử dụng và tái chế. Tuy nhiên, bà cho rằng các công nghệ như đốt, nhiệt phân hay tái chế hóa học, do tiềm ẩn rủi ro môi trường và sức khỏe, cần bị loại khỏi danh mục giải pháp được khuyến khích. Ngoài ra, cần có quy định cấm vận chuyển xuyên biên giới các loại nhựa chứa hóa chất nguy hại và hạn chế thu hồi năng lượng từ nhựa.
“Một thỏa thuận nhựa toàn cầu chỉ có ý nghĩa nếu nó đủ mạnh để tạo chuyển biến, đủ công bằng để được chấp nhận, và đủ ràng buộc để được thực thi thực chất,” bà Xuân nhấn mạnh.
Nghĩa vụ cắt giảm nhựa phải đi đôi với hỗ trợ tài chính, công nghệ
PGS.TS Vũ Thanh Ca đánh giá cơ chế tài chính là yếu tố cốt lõi đảm bảo thực thi thỏa thuận nhựa toàn cầu, nhất là với các nước đang phát triển.
Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, nghĩa vụ của các nước đang phát triển như Việt Nam, chỉ có thể thực thi khi đi kèm hỗ trợ tài chính, công nghệ và kỹ thuật kịp thời. Do đó, nhóm nước được ưu tiên cần mở rộng, bao gồm các quốc gia ven sông hạ lưu và những nước dễ bị tổn thương bởi ô nhiễm nhựa.
PGS.TS Vũ Thanh Ca trình bày khuyến nghị cho dự thảo thỏa thuận nhựa toàn cầu. Ảnh: NPAP.Về tài chính, chuyên gia của UNDP Phạm Văn Hiếu nhấn mạnh cần có các nghĩa vụ ràng buộc đối với các nước phát triển trong việc huy động và phân bổ nguồn lực công bằng, minh bạch. Các cơ chế hỗ trợ tài chính cần đủ, dễ tiếp cận và không tạo gánh nặng nợ nần. Bên cạnh đó, các công cụ như phí polymer hay trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) phải được quy định cụ thể, không nên dừng ở mức khuyến nghị.
Để đảm bảo nguồn lực tài chính, ông Hiếu cho rằng, cơ chế huy động nên tránh đưa ra quá nhiều chi tiết kỹ thuật gây phức tạp. Tài chính nên được phân bổ dưới dạng mới, bổ sung, dễ tiếp cận, ưu tiên các nước đang phát triển và quản lý thông qua Hội nghị các bên (COP), có thể bao gồm Quỹ đa phương chuyên biệt, Quỹ Ủy thác GEF hoặc công cụ tài chính được COP phê duyệt. Viện trợ nên ưu tiên không hoàn lại hoặc tín dụng ưu đãi, hỗ trợ các nước trong lập kế hoạch, báo cáo và triển khai hành động quốc gia.
Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC) bắt đầu hoạt động vào nửa cuối năm 2022, với tham vọng xây dựng một công cụ pháp lý có tính ràng buộc về vấn đề ô nhiễm nhựa. Đến nay, các bên đã trải qua tổng cộng 5 vòng đàm phán. Trong đó, phiên họp gần đây nhất là INC 5.1, diễn ra tại Busan, (Hàn Quốc) vào tháng 11/2024 đã phải tạm dừng do còn nhiều bất đồng về mặt lợi ích giữa các bên tham gia. Phiên họp INC 5.2 sắp tới được kỳ vọng sẽ đi tới một thỏa thuận chung về vấn đề ô nhiễm nhựa.