Sign In

Giữ rừng rong mơ giữa biển xanh

17:31 18/06/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Khai thác rong mơ ở Quảng Ngãi dần đi vào nền nếp nhờ sự hỗ trợ quốc tế, góp phần bảo vệ thủy sinh và ổn định sinh kế người dân ven biển

Từ ngày 1/6, người dân các xã ven biển huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) được phép khai thác rong mơ theo đúng mùa vụ. Tại xã Bình Hải, nhiều hộ dân ở thôn Thanh Thủy và Phước Thiện đã ra khơi thu hoạch rong.

Mỗi chuyến khai thác kéo dài từ sáng sớm đến đầu giờ chiều. Rong mơ sau khi cắt từ đáy biển được đưa lên thuyền thúng, vận chuyển vào bờ phơi khô, chờ thương lái thu mua.

Ngư dân khai thác rong mơ ở huyện Bình Sơn. Ảnh: Võ Hà.

Theo ông Lê Văn Thắng, người dân thôn Thanh Thủy (xã Bình Hải), những năm trước đây, mỗi khi thấy rong nổi trên mặt nước, người dân liền đổ xô ra khai thác, không phân biệt rong già hay non.

“Giờ thì khác, ai cũng biết muốn có rong chất lượng phải đợi đúng mùa. Khai thác sớm quá, rong chưa đủ độ phát triển thì năng suất kém, mà còn ảnh hưởng tới mùa sau”, ông Thắng nói.

Rong mơ thường sinh trưởng bám vào các rạn san hô, đá ngầm ở độ sâu 3 - 6m, người khai thác phải lặn xuống cắt từng cụm một, mất khoảng 5 - 7 phút cho mỗi lượt.

Theo ngư dân, nghề này vất vả nhưng cải thiện thu nhập đáng kể. Ảnh: Võ Hà.

“Nghề này vất vả, mùa khai thác lại đúng vào mùa nắng nóng, nhưng bù lại, nếu tranh thủ được vài tuần mùa rong, mỗi hộ cũng có thể thu được sản lượng đáng kể, cải thiện thu nhập”, ông Thắng chia sẻ thêm.

Từ khi có dự án “Bảo vệ, khai thác và phát triển rong mơ khu vực các xã ven biển huyện Bình Sơn gắn với sinh kế bền vững của cộng đồng”, nhận thức của người dân đã có sự thay đổi rõ rệt.

Dự án được triển khai từ tháng 9/2024 đến tháng 10/2025, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ môi trường toàn cầu (GEF SGP) tài trợ, tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Hội Nông dân huyện Bình Sơn là đơn vị tổ chức thực hiện.

Tuyên truyền tập huấn kỹ thuật khai thác rong mơ bền vững cho người dân. Ảnh: Võ Hà.

Trong khuôn khổ dự án, các lớp tập huấn kỹ thuật được tổ chức thường xuyên, giúp người dân nắm được thời điểm thu hoạch phù hợp với chu kỳ sinh trưởng của rong. Dự án cũng phối hợp với chuyên gia và các cơ quan liên quan tiến hành khảo sát, xác định vùng sinh trưởng, lập bản đồ phân vùng bảo vệ rong mơ và ban hành lịch khai thác cụ thể.

Rong mơ là một loại rong phân bố phổ biến tại các vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới, trong đó có vùng ven biển miền Trung Việt Nam. Loài rong này sinh trưởng mạnh vào mùa hè, thường bám vào các rạn đá, rạn san hô và có tốc độ phục hồi nhanh nếu được khai thác đúng cách.

Hiện nay, rong mơ khô trên thị trường có giá dao động từ 5.500 - 6.000 đồng/kg . Với năng suất trung bình 2 tại rong khô/ngày/hộ trong cao điểm mùa vụ, đây là nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình ven biển.

Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, rong mơ còn đóng vai trò như một “tấm lọc sinh thái” tự nhiên, hấp thụ CO₂ và cải thiện chất lượng nước biển. Thảm rong cũng tạo nơi cư trú và sinh sản cho nhiều loài thủy sinh, góp phần duy trì đa dạng sinh học ven bờ.

Ngư dân khai thác rong mơ. Ảnh: Võ Hà.

Hiện tổng diện tích rong mơ tự nhiên tại các xã Bình Hải, Bình Trị, Bình Thuận và Bình Châu ước đạt hơn 250 ha. Trước đây mùa khai thác thường rơi vào tháng 5 - 7, nhưng không theo lịch trình hay sự quản lý nào.

Nay, với sự phối hợp giữa chính quyền và ban điều hành dự án, người dân tuân thủ lịch khai thác nghiêm ngặt. UBND xã Bình Hải đã phân công cán bộ thôn giám sát, kịp thời xử lý các trường hợp khai thác sai thời điểm.

Theo bà Trịnh Thị Châu Oanh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Sơn, Trưởng ban điều hành dự án - rong mơ không chỉ là nguồn thu nhập quan trọng của người dân ven biển, mà còn đóng vai trò bảo vệ hệ sinh thái biển.

“Dự án này góp phần ngăn chặn tình trạng khai thác tận diệt, thúc đẩy khôi phục nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học biển, từ đó xây dựng sinh kế bền vững gắn với bảo tồn môi trường”, bà Oanh cho biết.

Võ Hà

Ý kiến

Đa dạng thành phần loài và phân bố sinh thái của động vật đáy tại Gò Đồi ngầm Cô Tô – Thanh Lân (Quảng Ninh)

Gò đồi ngầm Cô Tô – Thanh Lân có những đặc thù sinh thái riêng biệt, nguồn lợi sinh vật đáy đa dạng và là nơi khai thác thủy sản của nhiều ngư dân địa phương, tuy nhiên, đến nay chưa có nghiên cứu nào cụ thể ở gò đồi ngầm này để phục vụ quản lý nguồn lợi hiệu quả. Nghiên cứu này đã được thực hiện trong hai đợt khảo sát thực địa bằng phương pháp lặn SCUBA, thu mẫu thành phần loài và sinh thái, định danh loài và phân tích phân bố sinh thái thực hiện vào năm 2023 và 2024. Kết quả phân tích cho thấy khu vực này có ba dạng nền đáy đặc trưng gồm: dạng nền đáy rạn san hô (ở khu vực đỉnh gò với độ sâu 12 – 15m); dạng nền đáy đá tảng và cụm san hô (ở khu vực sườn gò, có độ sâu 18 – 22m); dạng nền đáy cát bùn (ở chân gò với độ sâu từ 25 – 35m). Tổng số 95 loài động vật đáy thuộc ba nhóm chính là Mollusca, Arthropoda và Echinodermata đã được ghi nhận lần đầu tiên ở gò đồi ngầm Cô Tô – Thanh Lân. Sự phân bố của một số nhóm loài đặc trưng theo dải độ sâu và dạng nền đáy như loài Mauritia arabica tập trung ở vùng đá rạn nông (14–20 m), trong khi Atrina vexillum, Pteria penguin và Colochirus quadrangularis hiện diện chủ yếu ở tầng sâu (>25 m). Nghiên cứu cũng ghi nhận có một số loài có giá trị kinh tế như Atrina vexillum, Pteria peasei và Mauritia arabica. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp bảo tồn và quản lý khai thác hợp lý nhằm bảo vệ nguồn lợi sinh vật đáy và hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững tại các gò đồi ngầm trong tương lai
Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi và nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tối đa tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.
“Thực phẩm xanh” tạo nên làn sóng bền vững và an ninh ở Đông Á

“Thực phẩm xanh” tạo nên làn sóng bền vững và an ninh ở Đông Á

Trước khủng hoảng khí hậu và khan hiếm nước, Đông Á đang nổi lên với giải pháp thực phẩm xanh – mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững giúp cứu hệ thống lương thực thế giới
EMC Đã kết nối EMC