Sign In

Việt Nam và Na Uy đẩy mạnh hợp tác trong quản lý biển và phát triển bền vững kinh tế biển

16:54 27/06/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Sáng 27/6, tại trụ sở Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Cục trưởng Nguyễn Đức Toàn đã có buổi tiếp và làm việc với Bà Hilde Solbakken - Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Vương quốc Na Uy tại Việt Nam. Tham dự làm việc có Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Cuộc làm việc diễn ra trong không khí cởi mở, hợp tác và tin cậy, tập trung trao đổi nhiều nội dung quan trọng về triển khai các cam kết quốc tế về bảo vệ đại dương, quy hoạch không gian biển quốc gia, phát triển điện gió ngoài khơi, đồng thời khẳng định cam kết mạnh mẽ của hai bên trong thúc đẩy hợp tác song phương, phát triển hợp tác đa phương về quản lý biển, kinh tế biển xanh, quản lý bền vững tài nguyên biển và ứng phó biến đổi khí hậu.

Quang cảnh buổi tiếp và làm việc giữa Cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam

Chia sẻ kết quả Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc lần thứ 3 (UNOC3) và sáng kiến của Việt Nam

Tại buổi làm việc, Cục trưởng Nguyễn Đức Toàn đã thông tin về những kết quả nổi bật từ Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc lần thứ 3 (UNOC3) vừa diễn ra tại Nice, Pháp - sự kiện quan trọng nhất toàn cầu về thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững số 14 (SDG14).

Việt Nam đã tham gia và đăng ký 15 cam kết tự nguyện, tập trung vào các lĩnh vực như: Bảo tồn và quản lý bền vững hệ sinh thái biển và ven biển, bao gồm cả hệ sinh thái biển sâu; Ngăn ngừa và giảm thiểu đáng kể ô nhiễm biển dưới mọi hình thức; Thúc đẩy quản lý nghề cá bền vững và hỗ trợ nghề cá quy mô nhỏ; Tăng cường kết nối giữa đại dương, khí hậu và đa dạng sinh học; Huy động tài chính xanh và phát triển kinh tế biển bền vững... 

Đặc biệt, Việt Nam là một trong 55 quốc gia đầu tiên phê duyệt Hiệp định Bảo tồn và Sử dụng bền vững Đa dạng sinh học biển ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia (BBNJ), khẳng định trách nhiệm tiên phong trong bảo vệ đa dạng sinh học biển ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia.

Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn chia sẻ với Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken một số kết quả từ Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc lần thứ 3 (UNOC3) vừa diễn ra tại Nice, Pháp

Đại sứ Hilde Solbakken đánh giá cao vai trò và uy tín của Việt Nam tại Hội nghị, đặc biệt là các sáng kiến của Việt Nam đưa ra nhằm xây dựng hệ sinh thái tài chính xanh cho đại dương và thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực này.

Tăng cường hợp tác về quy hoạch không gian biển và phát triển điện gió ngoài khơi

Cục trưởng Nguyễn Đức Toàn cảm ơn Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam đã đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm trong quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờthời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đoàn công tác của Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, hai bên cùng trao đổi về tiến độ triển khai thực hiện quy hoạch không gian biển quốc gia và các nỗ lực của Việt Nam trong phát triển điện gió ngoài khơi, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ UNDP và Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam. Hai bên cũng thảo luận về việc triển khai Hiệp định BBNJ, hướng tới mục tiêu bảo vệ 30% diện tích biển vào năm 2030.

Phía Việt Nam đề xuất Na Uy tiếp tục hỗ trợ trong các lĩnh vực: Rà soát và cập nhật quy hoạch không gian biển; xây dựng khung chỉ số giám sát sức khỏe hệ sinh thái biển; phát triển nuôi biển ngoài khơi và hàng hải xanh; kiểm soát ô nhiễm rác thải nhựa đại dương trong khu vực,tích hợp các nội dung này vào quy hoạch không gian biển, bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo tồn hệ sinh thái.

Thống nhất định hướng hợp tác trong thời gian tới

Đại sứ Na Uy bày tỏ cam kết tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế biển bền vững và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG14). Trong thời gian tới, hai bên thống nhất tập trung đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực then chốt: Triển khai Hiệp định BBNJ và xây dựng các khu bảo tồn biển (MPA, OECM), hướng tới mục tiêu bảo vệ 30% diện tích biển vào năm 2030.

Đối với quy hoạch không gian biển, Na Uy sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng quy hoạch không gian biển tích hợp, đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế biển và bảo tồn hệ sinh thái. Đối với phát triển điện gió ngoài khơi, hai bên đã thảo luận về việc tích hợp dữ liệu điều tra các khu vực tiềm năng phát triển điện gió vào quy hoạch không gian biển. 

Về phát triển nuôi biển ngoài khơi, hai bên đã trao đổi về khả năng áp dụng công nghệ nuôi biển tiên tiến, đồng thời xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy hoạch vùng nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của Việt Nam. Đại diện phía Na Uy khẳng định sẽ đồng hành trong công tác đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ tài chính, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và giá trị kinh tế của ngành nuôi biển.

Trong lĩnh vực hàng hải xanh, Na Uy sẽ chia sẻ về những công nghệ tiên tiến trong đóng tàu sử dụng nhiên liệu sạch, cùng các hệ thống quản lý năng lượng và kiểm soát phát thải nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường biển. Việt Nam bày tỏ mong muốn học hỏi kinh nghiệm phát triển các cụm công nghiệp hàng hải xanh và xây dựng hành lang vận tải sinh thái, để có thể tích hợp các mô hình này vào quy hoạch không gian biển quốc gia.

Liên quan đến công tác quản lý rác thải nhựa đại dương, hai bên thống nhất sẽ phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định quốc tế về ô nhiễm nhựa (INC) cũng như các sáng kiến khu vực, để tăng cường kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm nhựa trên biển.

Ngoài ra, Na Uy khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua việc tổ chức các đoàn công tác, chương trình học tập, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, đồng thời lồng ghép các hoạt động hỗ trợ vào các dự án hiện do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam triển khai.

Cục trưởng Nguyễn Đức Toàn tặng quà lưu niệm Đại sứ Hilde Solbakken

Đại sứ Na Uy nhấn mạnh Na Uy sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế biển bền vững, đóng góp tích cực vào thực hiện các mục tiêu SDG14.

Na Uy - Đối tác tiên phong của Việt Nam trong quản lý đại dương và phát triển kinh tế biển xanh

Na Uy là một trong những quốc gia đi đầu về quản lý tổng hợp tài nguyên biển, phát triển điện gió ngoài khơi, công nghệ hàng hải xanh và các giải pháp kiểm soát ô nhiễm nhựa. Trong nhiều năm qua, Na Uy đã hỗ trợ Việt Nam thông qua các dự án song phương và hợp tác với UNDP, góp phần nâng cao năng lực quy hoạch, quản lý và bảo tồn biển.

Ngày 23 tháng 11 năm 2022, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội đã ký kết thỏa thuận hỗ trợ quy hoạch không gian biển vì sự bền vững của đại dương và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Gói hỗ trợ kỹ thuật mới này sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường và triển khai quy hoạch không gian biển (MSP). Gói hỗ trợ kéo dài 3 năm giúp Việt Nam phát triển quy hoạch sử dụng biển, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo tồn môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu. 

Năm 2022, Na Uy cùng với UNDP và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 400 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 51.000 đại biểu tham dự trực tuyến là các nhà lãnh đạo, các nhà chuyên môn, nhà khoa học từ 44 quốc gia. 

Cục trưởng Nguyễn Đức Toàn chụp ảnh lưu niệm cùng Đại sứ Hilde Solbakken
Cục trưởng Nguyễn Đức ToànĐại sứ Hilde Solbakken chụp ảnh lưu niệm cùng các Lãnh đạo đơn vị

Lưu Anh Đức - Muôn Nguyễn

Ý kiến

Bổ sung 16 Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Bổ sung 16 Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Môi trường

16 đồng chí được chỉ định bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, góp phần củng cố tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện.

Tập trung điều tra địa chất và khoáng sản biển

Đây là nhiệm vụ mà Thứ trưởng Trần Quý Kiên giao phó, khi làm việc với Liên đoàn Bản đồ và Địa chất biển miền Bắc.
Triển lãm thành tựu đất nước và kỷ niệm 80 năm ngành NN-MT: Trang trọng, lan tỏa, tạo dấu ấn sâu sắc

Triển lãm thành tựu đất nước và kỷ niệm 80 năm ngành NN-MT: Trang trọng, lan tỏa, tạo dấu ấn sâu sắc

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, việc tổ chức Triển lãm thành tựu đất nước và kỷ niệm 80 năm ngành NN-MT phải trang trọng, thiết thực, lan tỏa rộng rãi, tạo dấu ấn.