Sign In

Khánh Hòa có đường bờ biển dài nhất Việt Nam sau khi sáp nhập

08:48 07/07/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Tỉnh Khánh Hòa sau khi sáp nhập với tỉnh Ninh Thuận lấy tên là tỉnh Khánh Hòa mới có đường bờ biển dài nhất Việt Nam với độ dài gần 500 km.

Ngày 12/6/2025, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 202/2025/QH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Theo đó, tại khoản 13 Điều 1 Nghị quyết số 202/2025/QH15 quy định sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Khánh Hòa. Sau khi sắp xếp, tỉnh Khánh Hòa có diện tích tự nhiên là 8.555,86 km2, quy mô dân số là 2.243.554 người.

Bản đồ 65 xã phường ở tỉnh Khánh Hòa sau khi sắp xếp do Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Môi trường công bố

Trước khi hợp nhất, tỉnh Khánh Hòa có đường bờ biển dài 385 km, tỉnh Ninh Thuận có đường bờ biển dài 105 km. Sau sáp nhập, dải bờ biển mới kéo dài gần 500 km, từ vịnh Vũng Rô đến TP. Cam Ranh, bao gồm các vịnh biển nổi tiếng như Vân Phong, Nha Phu, Cù Huân và vịnh Cam Ranh. Tuyến ven biển trải dài từ Cam Ranh đến Cà Ná không chỉ là lợi thế tự nhiên mà còn là “tài sản chiến lược” để tỉnh Khánh Hòa mới phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch và logistics.

Khánh Hòa với dải bờ biển liên hoàn này được kỳ vọng trở thành trục phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm, với các ngành mũi nhọn như du lịch biển, cảng biển, logistics, khu kinh tế và nuôi trồng thủy hải sản. 

Trong đó, tỉnh Khánh Hòa cũng mở rộng đáng kể tiềm năng phát triển các ngành kinh tế biển, đặc biệt là ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản. Vùng biển Ninh Thuận vốn nổi tiếng với điều kiện tự nhiên lý tưởng để nuôi tôm, cá và rong biển, khi được hợp nhất sẽ tạo điều kiện hình thành các khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, từ đó gia tăng sản lượng xuất khẩu.

Đáng chú ý, việc sáp nhập còn tạo cơ hội phối hợp hiệu quả giữa các hạ tầng kinh tế chiến lược như Cảng Cam Ranh, sân bay quốc tế Cam Ranh và sân bay quân sự Thành Sơn. Đây là những yếu tố quan trọng, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa giữ vững vai trò phòng thủ an ninh quốc phòng ở khu vực Nam Trung Bộ.

Đặc biệt, việc sở hữu cả Vịnh Vân Phong - một trong những khu vực có cảng nước sâu lý tưởng nhất Đông Nam Á, cùng với dải ven biển mới của Ninh Thuận, cho phép Khánh Hòa đẩy mạnh phát triển các trung tâm logistics biển, xây dựng cảng trung chuyển quốc tế và chuỗi khu công nghiệp gắn với dịch vụ hậu cần cảng biển. Điều này tạo ra sức cạnh tranh mới trong thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển các hành lang kinh tế ven biển.

Với tiềm lực được mở rộng, tỉnh Khánh Hòa được định hướng trở thành “siêu tỉnh” về kinh tế biển, năng lượng và công nghệ cao, phát triển dựa trên ba trụ cột chính: công nghiệp ứng dụng công nghệ cao - du lịch biển chất lượng cao - năng lượng tái tạo sạch. UBND tỉnh cũng xác định mục tiêu phát triển tỉnh Khánh Hòa theo mô hình đô thị đặc biệt, làm nền tảng để từng bước xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai gần.

 

Muôn Nguyễn

Ý kiến

Khát vọng quốc gia biển

Khát vọng quốc gia biển

Hiểu và làm chủ biển nhằm tận dụng tốt nhất giá trị, vai trò của biển trong khai thác tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ chủ quyền quốc gia
Khánh Hòa với tầm nhìn hướng biển

Khánh Hòa với tầm nhìn hướng biển

Những năm qua, cả 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận đều kiên định mục tiêu phát triển kinh tế biển là động lực, trụ cột quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Sau hợp nhất, với không gian biển, đảo được mở rộng, tiềm năng, lợi thế to lớn hơn, tỉnh Khánh Hòa mới sẽ phát triển thành trung tâm kinh tế biển và năng lượng tái tạo trọng điểm quốc gia
Phú Quốc lên ‘đặc khu’ để khai thác tiềm năng biển đảo

Phú Quốc lên ‘đặc khu’ để khai thác tiềm năng biển đảo

Từ ngày 1/7/2025, Phú Quốc chính thức trở thành đặc khu trực thuộc tỉnh An Giang mới. Đây là bước ngoặt quan trọng giúp đảo ngọc khai thác tiềm năng biển