Bên lề Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc lần thứ 3 (UNOC 3) đang diễn ra tại thành phố Nice, Pháp, ông Nguyễn Đức Toàn - Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về những kết quả nổi bật của Hội nghị lần này và định hướng phát triển kinh tế biển của Việt Nam trong thời gian tới.
Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về những kết quả nổi bật của Hội nghị lần này và định hướng phát triển kinh tế biển của Việt Nam trong thời gian tớiChia sẻ về các kết quả nổi bật của Hội nghị, ông Nguyễn Đức Toàn nhấn mạnh: “Hội nghị lần này đã thảo luận nhiều nội dung vừa mang tính chiến lược dài hạn, vừa thiết thực và cụ thể, xoay quanh chủ đề phát triển kinh tế đại dương bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và cải thiện sinh kế người dân ven biển”.
Theo ông Toàn, có thể khái quát 6 nhóm nội dung nổi bật từ Hội nghị:
(1) Hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế quản trị biển đảo, đặc biệt thúc đẩy Hiệp ước BBNJ về bảo vệ đa dạng sinh học ngoài vùng quyền tài phán quốc gia sớm có hiệu lực.
(2) Thúc đẩy tài chính đại dương, huy động nguồn lực từ các ngành kinh tế biển để đầu tư cho môi trường và cộng đồng ven biển.
(3) Phát triển kinh tế biển bền vững (Blue Economy), ưu tiên nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, năng lượng tái tạo trên biển và vật liệu sinh học.
(4) Đẩy mạnh khoa học và công nghệ biển, tập trung vào giám sát đại dương, số hóa dữ liệu và chuyển giao công nghệ.
(5) Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, đặc biệt tại các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương.
(6) Cam kết chính trị và hành động tự nguyện, trong đó nổi bật là mục tiêu bảo tồn ít nhất 30% diện tích đại dương vào năm 2030.
Ở góc độ quốc gia, ông Toàn chia sẻ, trong những năm gần đây, Việt Nam đã có bước tiến đáng kể trong phát triển kinh tế biển: kinh tế biển và vùng ven biển đóng góp tỷ trọng ngày càng cao; hạ tầng đô thị ven biển ngày càng hiện đại; ngành hàng hải, dầu khí và thủy sản đều đạt nhiều thành tựu nổi bật. Du lịch biển tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và quảng bá hình ảnh đất nước.
“Thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương, và Việt Nam xác định phát triển kinh tế biển xanh là một trong những động lực chiến lược”, ông Toàn khẳng định.
Trong thời gian tới, Việt Nam định hướng: (1) Đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo biển, nhất là điện gió ngoài khơi; (2) Phát triển kinh tế thủy sản xanh, tuần hoàn, hướng tới các-bon thấp; (3) Xây dựng logistics biển hiện đại gắn với công nghiệp đóng tàu và vận tải biển; (4) Phát triển du lịch biển đảo thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Toàn cũng cho biết: Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ các kế hoạch nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm biển, đặc biệt là từ đất liền và rác thải nhựa đại dương - một chủ đề được thảo luận sâu tại Phiên chuyên đề số 4 của Hội nghị.
Việt Nam đã xây dựng Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt mục tiêu kiểm soát triệt để các nguồn gây ô nhiễm, phát triển hạ tầng xử lý nước thải đạt chuẩn tại các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, cũng như nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường biển.
“Chúng tôi mong muốn cộng đồng quốc tế ưu tiên kiểm soát phát thải nhựa từ thượng nguồn và dẫn dắt hỗ trợ các nước đang phát triển về tài chính, công nghệ, nâng cao năng lực. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác, chia sẻ dữ liệu và trách nhiệm trong khuôn khổ khu vực và toàn cầu về vấn đề rác thải nhựa đại dương”, ông Toàn nêu rõ đề xuất của Việt Nam.