Sign In

Việt Nam đăng ký 15 cam kết tự nguyện trong các lĩnh vực khác nhau về quản trị biển và đại dương

07:09 10/06/2025

Chọn cỡ chữ A a  

“Chúng ta hãy cùng nhau hành động, đoàn kết, trách nhiệm, chủ động và sáng tạo để đại dương mãi là không gian của hoà bình, hợp tác, phát triển và phồn vinh cho các thế hệ hôm nay và mai sau”

Ngày 9/6, tại phiên toàn thể của Hội nghị cấp cao về đại dương của Liên hợp quốc lần thứ 3 (UNOC 3), được tổ chức tại thành phố Nice, Cộng hòa Pháp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng đại diện cho 10 quốc gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời chia sẻ quan điểm của Việt Nam về bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và tài nguyên biển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên toàn thể của Hội nghị cấp cao về đại dương của Liên hợp quốc lần thứ 3 (UNOC 3). (Ảnh: VGP)

Thủ tướng khẳng định, vị trí địa lý quan trọng của ASEAN từ bao đời nay luôn là trái tim của một Châu Á biển, nơi các dòng chảy thương mại, văn hoá và hợp tác tụ hội qua nhiều thế kỷ. Trong đó, Biển Đông là một trong những vùng biển có ý nghĩa chiến lược bậc nhất trên thế giới, nơi hội tụ các tuyến hàng hải huyết mạch, hệ sinh thái biển giàu có, và là điểm tựa về sinh kế, bản sắc văn hóa và an ninh của hàng mấy trăm triệu người.

Tuy nhiên, đại dương của chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường biển, khai thác hải sản quá mức và căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng đang từng bước làm tổn hại đến sức khỏe của đại dương và xói mòn lòng tin giữa các quốc gia.

Để giải quyết những thách thức đang nổi lên này, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ 4 định hướng ưu tiên của các nước ASEAN bao gồm: 

Gìn giữ biển và đại dương phải luôn là không gian của hòa bình, hợp tác phát triển và trách nhiệm chung; thúc đẩy tích hợp phương pháp tiếp cận toàn cầu xuyên suốt và các nỗ lực khu vực trong quản trị biển, đại dương; xác định biển và đại dương là một động lực cốt lõi của phát triển thịnh vượng; và kêu gọi đẩy mạnh hơn nữa quản trị đại dương toàn cầu, dựa trên hợp tác thay vì cạnh tranh, nhằm đẩy nhanh tiến trình thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững số 14.

Thủ tướng tái khẳng định quan điểm của ASEAN đề cao các giá trị của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, bản Hiến pháp của Đại dương - và các hiệp định thực thi Công ước, là khuôn khổ pháp lý toàn diện điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và đại dương. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng nhấn mạnh kỳ vọng của ASEAN rằng, Hội nghị UNOC 3 sẽ khơi dậy tinh thần đoàn kết, với những cam kết mạnh mẽ, thúc đẩy hình thành các quan hệ đối tác chiến lược, làm chất xúc tác cho những hành động chuyển đổi vì đại dương xanh.

Tiếp sau đó, với vai trò đại diện của Việt Nam phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đưa ra nghịch lý và cảnh báo nghiêm trọng với đánh giá rằng mặc dù biển và đại dương chiếm hơn 70% bề mặt trái đất, là hệ sinh thái lớn nhất của "Hành tinh xanh", nhưng mục tiêu số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương lại có mức đầu tư thấp nhất trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Thủ tướng Chính phủ kêu gọi cộng đồng quốc tế cần hành động nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nữa và cần có sự chung tay của các quốc gia, khu vực và toàn thế giới trong bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương xanh. 

Để làm được điều này, Thủ tướng cho rằng cần kiên trì, nhất quán phương pháp tiếp cận khoa học, biện chứng mang tính toàn dân, toàn diện và toàn cầu; trên cơ sở nguyên tắc công bằng, bình đẳng, bao trùm, hợp tác phát triển và hài hòa lợi ích; bằng những cơ chế, chính sách, giải pháp và hành động cụ thể.

Thủ tướng cũng đề xuất 6 định hướng trọng tâm bao gồm: Chú trọng cơ sở khoa học gắn kết với kinh nghiệm dân gian trong hoạch định chính sách; thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế biển bền vững; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế biển; tiếp cận tổng thể, đa ngành trong quản trị phát triển biển và đại dương; thúc đẩy kết nối liên vùng, liên quốc gia, liên châu lục, hình thành mạng lưới các trung tâm kinh tế biển xanh khu vực và toàn cầu; đề cao đoàn kết, hợp tác quốc tế trong bảo tồn, phát triển biển và đại dương bền vững.

Tái khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đã và đang cùng các đối tác hành động toàn diện, mạnh mẽ và ở nhiều cấp độ biện pháp khác nhau để hiện thức hóa mục tiêu bảo tồn và sử dụng bền vững môi trường biển (SDG 14) trên tinh thần "3 chủ động": Chủ động triển khai các chính sách, chương trình để phát triển các ngành kinh tế biển xanh, phục hồi hệ sinh thái biển; chủ động thúc đẩy quan hệ hợp tác, đối tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các bên liên quan, đặc biệt trong việc chia sẻ tri thức và chuyển giao công nghệ; chủ động đề xuất và tích cực tham gia và triển khai các sáng kiến ở các cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Tại Hội nghị này, với phương châm coi trọng thời gian, trí tuệ, sự quyết đoán đúng thời điểm, "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện có hiệu quả cụ thể", Thủ tướng Chính phủ thông báo việc Việt Nam đăng ký 15 cam kết tự nguyện trong các lĩnh vực khác nhau về quản trị biển và đại dương.

Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng Chính phủ đưa ra thông điệp mạnh mẽ: “Chúng ta hãy cùng nhau hành động, đoàn kết, trách nhiệm, chủ động và sáng tạo để đại dương mãi là không gian của hoà bình, hợp tác, phát triển và phồn vinh cho các thế hệ hôm nay và mai sau”.

Muôn Nguyễn ST

Ý kiến

Đa dạng thành phần loài và phân bố sinh thái của động vật đáy tại Gò Đồi ngầm Cô Tô – Thanh Lân (Quảng Ninh)

Gò đồi ngầm Cô Tô – Thanh Lân có những đặc thù sinh thái riêng biệt, nguồn lợi sinh vật đáy đa dạng và là nơi khai thác thủy sản của nhiều ngư dân địa phương, tuy nhiên, đến nay chưa có nghiên cứu nào cụ thể ở gò đồi ngầm này để phục vụ quản lý nguồn lợi hiệu quả. Nghiên cứu này đã được thực hiện trong hai đợt khảo sát thực địa bằng phương pháp lặn SCUBA, thu mẫu thành phần loài và sinh thái, định danh loài và phân tích phân bố sinh thái thực hiện vào năm 2023 và 2024. Kết quả phân tích cho thấy khu vực này có ba dạng nền đáy đặc trưng gồm: dạng nền đáy rạn san hô (ở khu vực đỉnh gò với độ sâu 12 – 15m); dạng nền đáy đá tảng và cụm san hô (ở khu vực sườn gò, có độ sâu 18 – 22m); dạng nền đáy cát bùn (ở chân gò với độ sâu từ 25 – 35m). Tổng số 95 loài động vật đáy thuộc ba nhóm chính là Mollusca, Arthropoda và Echinodermata đã được ghi nhận lần đầu tiên ở gò đồi ngầm Cô Tô – Thanh Lân. Sự phân bố của một số nhóm loài đặc trưng theo dải độ sâu và dạng nền đáy như loài Mauritia arabica tập trung ở vùng đá rạn nông (14–20 m), trong khi Atrina vexillum, Pteria penguin và Colochirus quadrangularis hiện diện chủ yếu ở tầng sâu (>25 m). Nghiên cứu cũng ghi nhận có một số loài có giá trị kinh tế như Atrina vexillum, Pteria peasei và Mauritia arabica. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp bảo tồn và quản lý khai thác hợp lý nhằm bảo vệ nguồn lợi sinh vật đáy và hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững tại các gò đồi ngầm trong tương lai
Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi và nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tối đa tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.
“Thực phẩm xanh” tạo nên làn sóng bền vững và an ninh ở Đông Á

“Thực phẩm xanh” tạo nên làn sóng bền vững và an ninh ở Đông Á

Trước khủng hoảng khí hậu và khan hiếm nước, Đông Á đang nổi lên với giải pháp thực phẩm xanh – mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững giúp cứu hệ thống lương thực thế giới